Ngành lúa gạo Việt Nam: Năm 2016 u ám và cảnh báo tương lai...
VOV.VN -Năm 2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng nhìn trong dài hạn nếu không nỗ lực thay đổi, bức tranh sẽ buồn hơn...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tự đánh giá “năm 2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, với xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo giảm”. Nhưng vấn đề của ngành lúa gạo không chỉ có thế...
Khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm sâu
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất lúa cả năm 2016 sụt giảm cả về diện tích và năng suất so với năm 2015, đặc biệt là khu vực phía Nam. Diện tích gieo trồng lúa đạt 7,8 triệu ha, giảm 0,5%; năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 2,8%, là mức giảm năng suất mạnh so với bình quân hàng năm; do vậy sản lượng ước đạt 43,6 triệu tấn, giảm 3,3% so năm 2015.
Ngành lúa gạo VN năm 2016 không đạt mục tiêu xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT) |
Đặc biệt, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt 4,88 triệu tấn và giá trị 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Đây là mức giảm kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
Hơn nữa, nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm qua như Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%), Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hong Kong đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt trong năm 2016. Như vậy, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm thấp hơn tới 1,6 triệu tấn so với dự báo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra từ đầu năm.
Tính chung cả năm, lúa IR50404 tại An Giang đã giảm 450đ/kg, từ 4.850đ/kg xuống 4.400đ/kg; lúa IR50404 tại Vĩnh Long giảm 400-500đ/kg, từ 4.800đ/kg xuống 4.300- 4.400 đ/kg; lúa tẻ thường tại Kiên Giang giảm 500đ/kg, từ 5.900đ/kg xuống 5.400 đ/kg; lúa dài giảm 300 đ/kg, từ 6.100 đ/kg xuống 5.800đ/kg.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2016 đạt 448 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2016 với 35,9% thị phần. 11 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,61 triệu tấn và 722,2 triệu USD, giảm 20,5% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là do thời gian qua, Trung Quốc không ngừng tăng các điều kiện về quy chuẩn, điều kiện kiểm dịch với gạo Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đơn cử, trước đây doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập gạo Việt Nam loại hạt dài phải mua quota, còn gạo hạt tròn dưới 6mm thì chỉ áp thuế. Nhưng mới đây, Trung Quốc bổ sung quy định chiều ngang hạt gạo phải dưới 2mm. Một số loại gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc không đảm bảo được yêu cầu trên. Đây là một bất lợi cho hạt gạo Việt muốn vào thị trường này.
Vấn đề không chỉ ở con số xuất khẩu
Bức tranh ngành lúa gạo Việt Nam năm 2016 hiện rõ gam màu tối. Bởi vì Việt Nam trước đây vốn là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới (gồm Việt Nam, Thái Lan Ấn Độ) với lượng xuất khẩu hàng năm từ 6 - 8 triệu tấn, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước khoảng gần 4 tỷ USD. Nhưng năm 2016 đã khép lại với kết quả xuất khẩu gạo quá thấp, tụt xa so với mục tiêu năm nay xuất khẩu 5,65 triệu tấn.
Điều đáng nói là chỉ tiêu này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh giảm hồi giữa năm, từ mức 6,5 triệu tấn trước thực tế nhiều loại nông sản sụt giảm về khối lượng và giá trị. Đây cũng là tín hiệu cho thấy những khó khăn rất lớn mà ngành lúa gạo Việt Nam phải đối diện.
Buồn hơn nữa, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỷ qua và quốc gia đã được bình chọn làm ‘câu chuyện thành công’ về an ninh lương thực. Từ một quốc gia bị thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện đã đứng ở mức cao trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình. Thậm chí, nhiều quốc gia đang tìm cách học tập thành công của Việt Nam về an ninh lương thực. Tất nhiên, trong thành quả đó không thể loại trừ đóng góp quan trọng của ngành lúa gạo.
Nhưng trên bình diện kinh tế đối ngoại, nhu cầu gạo của thế giới vẫn tăng, đòi hỏi về chất lượng gạo ngày càng tăng, nhiều quốc gia cũng khát khao có được lợi thế đất lúa như của Việt Nam. Trong khi đó, từ một quốc gia lợi thế và nhiều năm đứng tốp 3 nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nay Việt Nam liên tục giảm mạnh khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo.
Mặc dù Chính phủ đã và đang nỗ lực dùng nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường lúa gạo. Nhưng các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, muốn phát huy thế mạnh tiềm năng nông nghiệp, trong đó có trồng lúa gạo, điều quan trọng là phải tái cơ cấu ngành xuất khẩu gạo theo hướng tập trung vào loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo.
Bởi thực tế, dù gạo Việt đang ngày càng chật vật tìm đường xuất ngoại, thì tại thị trường trong nước, người dân Việt Nam ngày càng tìm đến “gạo ngoại” nhiều hơn, dù nhiều loại gạo giá đắt hơn hẳn gạo nội, nhưng bù lại chất lượng cao hơn. Áp lực cạnh tranh gia tăng không chỉ xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa cũng nhãn tiền.
Bộ NN&PTNT đã thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ lớn như tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong ngành; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay...
Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là biện pháp lâu dài giúp việc xuất khẩu gạo chuyên nghiệp hơn.
Bởi suy cho cùng chủ nhân chính của nguồn cung lúa gạo phải là nông dân. Cho dù nhiều chính sách của Chính phủ can thiệp, nhưng nếu trồng lúa không đem lại hiệu quả thiết thực và mang lại sự cải thiện đời sống cho người nông dân thì nông dân sẽ ngày càng quay lưng với ruộng lúa là khó tránh.
Đồng thời, qua thực tế nhiều năm cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều thị phần vào một thị trường nào đó đều sẽ là bất lợi, tiềm ẩn rủi ro cho ngành lúa gạo. Cho nên, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, Việt Nam phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không để một mặt hàng quan trọng như gạo phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nào đó.
Theo ông Steven Jaffee, Chuyên gia trưởng về kinh tế nông nghiệp của WB, tổng lượng gạo tiêu thụ của quốc gia và theo đầu người của Việt Nam bắt đầu suy giảm từ những năm 2000 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong hai thập kỷ sau đó trước khi đi ngang. Từ năm 2012, xu hướng chi đã dịch chuyển sang các sản phẩm cao đạm. Gạo chỉ chiếm một phần ba tổng chi cho bữa ăn, trong khi các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản gộp lại chiếm đến 39%. Đây là một chỉ số đặc biệt quan trọng, bởi riêng thị trường Việt Nam đã có tới hơn 92 triệu dân vốn có thói quen bữa ăn không thiếu cơm.
Rõ ràng, chuyện của ngành lúa gạo Việt không phải chỉ loay hoay ở con số xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn và thu về bao nhiêu tỷ USD, việc không kém quan trọng là cần phải nhìn vào xu hướng tiêu dùng, nhu cầu gạo cả trong nước và quốc tế, nhìn vào thực lực năng lực cạnh tranh của mình để tìm ra giải pháp thiết thực và bền vững./.