Ngành nông nghiệp Đắk Lắk nỗ lực chuyển đổi số để hội nhập
VOV.VN - Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhiều nông dân, doanh nghiệp tại Đắk Lắk. Những kết quả mà chuyển đổi số mang lại cũng đang giúp ngành nông nghiệp Đắk Lắk tiến gần hơn đến hiện đại.
Năm 2019, ông Nguyễn Văn Hiếu ở xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột đã liên kết với một doanh nghiệp trong tỉnh, trồng 1.000m2 cà chua trái cây Nova. Cà chua được trồng trong nhà màng, chăm tưới tự động, sử dụng nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
Sau 2 năm áp dụng mô hình này, với nhiều vụ bội thu, chất lượng tốt, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định cách làm mới có nhiều cái lợi: “Áp dụng công nghệ cao này giúp giảm chi phí rất nhiều. Giảm chi phí nhân công có lợi cho nông dân rất nhiều. Đặc biệt, mình yên tâm đầu ra ổn định”.
Không chỉ áp dụng công nghệ số trong sản xuất, nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã mạnh dạn kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng thông qua các nền tảng số. Điển hình như ông Nguyễn Đình Vạn, xã Cư Né, huyện Krông Buk. Từ sản phẩm cà phê hạt rang chất lượng cao Krông Buk được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao cấp tỉnh, ông Vạn đã chủ động kết nối với các sàn thương mại điện tử để bán trực tiếp sản phẩm của mình thay vì thông qua các đơn vị trung gian như trước đây. Sự thay đổi này đã giúp ông tiết kiệm chi phí, mở rộng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông sản một cách nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.
“Tất cả các khách hàng đều có thể sử dụng điện thoại thông minh vào QR code để truy xuất nguồn gốc, người ta sẽ biết sản phẩm này từ đâu, quản lý như thế nào, sản phẩm được sản xuất theo quy trình như thế nào, có giấy an toàn hay không, quy trình sản xuất, vùng trồng… Mặc dù khách hàng không ở sát nơi những người tiêu dùng vẫn có thể giám sát được. Như vậy, mức độ tín nhiệm của khách hàng đối với sản phẩm ngày càng được nâng cao”, ông Nguyễn Đình Vạn cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đắk Lắk, xác định công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, Đắk Lắk đã dành hơn 77 tỷ đồng xây dựng nền tảng “nông nghiệp số". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua ứng dụng công nghệ số vào sản xuất bước đầu mang đến những giá trị mới, bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
“Chuyển đổi số là một trong những phương tiện, điều kiện để tạo sự đột phá về giá trị, về chất lượng và về hiệu quả trong kinh tế nông nghiệp. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều các doanh nghiệp và hợp tác xã đã ý thức, nhận thức được vấn đề hiệu quả, lợi ích khi tham gia chuyển đổi số gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả”, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã xác định nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, chiếm khoảng 30% GRDP và giải quyết việc làm và thu nhập cho khoảng 65% lao động. Do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk tập trung quyết liệt để triển khai thực hiện chuyển đổi số nhằm đạt được các mục tiêu Kế hoạch đã đề ra.
“Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một lĩnh vực rất rộng lớn và tác động lớn đến đời sống và kinh tế của địa phương. Do đó, tỉnh cũng xác định trong các nội dung cần ưu tiên về chuyển đổi số thì lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên. Tỉnh cũng đã có nghị quyết về chuyển đổi số nói chung và đã ký kết với tập đoàn FPT để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu”, ông Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk thông tin.
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh thuần nông như Đắk Lắk, việc chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, hội nhập./.