Ngành than: Khó không phải vốn đầu tư mà là khả năng áp dụng công nghệ

VOV.VN - Quy hoạch than điều chỉnh khắc phục được những điểm khó khả thi của quy hoạch trước đó, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương vừa công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển tổng quát của Quy hoạch than điều chỉnh lần này là xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Nhiều quan điểm cho rằng, Quy hoạch than điều chỉnh lần này có tính khả thi hơn nhiều so với quy hoạch được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 (trước đây gọi là Quy hoạch 60).

TKV khoan thăm dò thử nghiệm tại bể than Đồng bằng Sông Hồng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Khắc Thọ khẳng định, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường, tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 48,88 tỷ tấn; trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn.

Do đó, ngành than sẽ phát triển trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng… Tuy nhiên, theo ông Thọ, để đảm bảo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành than rất lớn, trung bình khoảng 18.000 – 20.000 tỷ đồng/năm.

“Để đảm bảo được nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngành than cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, trong đó có một điểm rất rõ là phương thức đầu tư kinh doanh than theo các hình thức PPP, BOT, BT, BO… Than là tài nguyên của quốc gia, do đó trong quá trình cổ phần hóa và đa dạng hóa các hình thức đầu tư cần tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển ngành than, bao gồm hệ thống vận chuyển than, các cảng biển... việc khai thác than sẽ do Nhà nước quản lý”, ông Thọ chỉ rõ.

Trong khi đó, ông Đỗ Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam) lại cho rằng, Quy hoạch than điều chỉnh có tính khả thi cao hơn Quy hoạch 60 được ban hành năm 2012.

Cụ thể là Quy hoạch điều chỉnh khắc phục được những điểm khó khả thi của Quy hoạch 60, đồng thời sửa đổi lại phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Điểm khác biệt lớn nhất cũng là quan trọng nhất của Quy hoạch than điều chỉnh là việc xác định lại nhu cầu tiêu thụ.

“Đối với than cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII (đã được điều chỉnh) có thay đổi rất nhiều so với Quy hoạch điện VI. Chính vì nhu cầu than cho điện thay đổi nên Quy hoạch cũng phải phải lập lại cho phù hợp, đồng thời cũng xét đến năng lực của các đơn vị khai thác than, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc (BQP)”, ông Nguyên cho biết.

Quy hoạch than điều chỉnh cũng định hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống còn khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020. Tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

Ngoài ra, việc sản xuất than tiệm cận thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, tự chủ nguồn than cho sản xuất trong nước cũng là vấn đề đáng được quan tâm trong quy hoạch lần này.

Theo ông Nguyên, về vốn cho ngành than sẽ không phải là vấn đề lớn, quan trọng nhất vẫn là việc tăng năng suất, sản lượng của ngành than để đáp ứng được nhu cầu cho nhiệt điện. Trong đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhau cầu than đã giảm đi, đồng nghĩa với việc Quy hoạch điều chỉnh thanh phải có tính khả thi hơn.

Trong số các giải pháp thực hiện Quy hoạch than điều chỉnh lần này còn nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư khoa học công nghệ. Quy hoạch sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than (đặc biệt là công nghệ khai thác than dưới mức -300 mét bể than Quảng Ninh và bể than Sông Hồng).

Đồng thời nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển (TKV) vẫn cho rằng, việc đầu tư công nghệ đối với ngành than sẽ không khó, vốn cũng không phải là quá khó nhưng cái khó lớn nhất là khả năng áp dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn khai thác và chế biến than tại nhiều mỏ than ở Việt Nam.

“Cái khó của ngành than Việt Nam là than quy mô manh mún, điều kiện địa chất phức tạp. Mặc dù có công nghệ tiên tiến nhưng điều kiện để áp dụng, triển khai công nghệ lại bị hạn chế bởi tính quy mô. Vì thế, hợp lý nhất vẫn là áp dụng công nghệ phù hợp trong từng điều kiện khai thác cụ thể, nơi nào có điều kiện cơ giới hóa phải tổ chức cơ giới hóa tối đa”, ông Chỉnh lý giải.

Kế hoạch khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng cũng được đề cập khá cụ thể tại Quy hoạch than điều chỉnh lần này. Chính phủ đã giao cho TKV triển khai chương trình thăm dò, tìm hiểu, áp dụng công nghệ thử nghiệm. Năm 2015 TKV đã tiến hành thử nghiệm việc khoan thăm dò ở khu vực xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Việc có khả năng khai thác được hay không sẽ phụ thuộc vào Báo cáo của TKV sau khi tổng hợp đánh giá 5 mũi khoan thử nghiệm ở khu vực này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TKV cung ứng 36,45 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia
TKV cung ứng 36,45 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia

VOV.VN - Sản xuất điện là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất của tập đoàn trong 5 năm qua với sản lượng điện tăng đều hàng năm.

TKV cung ứng 36,45 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia

TKV cung ứng 36,45 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia

VOV.VN - Sản xuất điện là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất của tập đoàn trong 5 năm qua với sản lượng điện tăng đều hàng năm.

TKV sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn than năm 2016
TKV sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn than năm 2016

VOV.VN - TKV dự kiến sản lượng than cho sản xuất điện trong năm 2016 sẽ tăng khoảng hơn 5 triệu tấn so với năm 2014.

TKV sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn than năm 2016

TKV sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn than năm 2016

VOV.VN - TKV dự kiến sản lượng than cho sản xuất điện trong năm 2016 sẽ tăng khoảng hơn 5 triệu tấn so với năm 2014.

Lãnh đạo TKV nói về sự cố tràn kiềm của nhà máy alumin Nhân Cơ
Lãnh đạo TKV nói về sự cố tràn kiềm của nhà máy alumin Nhân Cơ

VOV.VN - Tập đoàn than khoáng phản hồi về việc khắc phục sự cố tràn kiềm ra môi trường của Nhà máy Alumi Nhân Cơ ở Đắc Nông.

Lãnh đạo TKV nói về sự cố tràn kiềm của nhà máy alumin Nhân Cơ

Lãnh đạo TKV nói về sự cố tràn kiềm của nhà máy alumin Nhân Cơ

VOV.VN - Tập đoàn than khoáng phản hồi về việc khắc phục sự cố tràn kiềm ra môi trường của Nhà máy Alumi Nhân Cơ ở Đắc Nông.