Ngành thuế chiếm dụng quá nhiều thời gian của doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành Thuế, chậm nhất vào quí 2/2010, phải giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ 1050 giờ xuống còn 735 giờ.

Theo tổng hợp sơ bộ báo cáo của các địa phương, suy giảm kinh tế đã tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng khoảng trên 4.800 tỷ đồng so với dự toán.

Nợ đọng thuế tiếp tục tăng

Theo Tổng cục Thuế, tính đến 31/5/2009, toàn ngành thuế đã thực hiện đôn đốc thu và cưỡng chế thu được 8.262 tỷ đồng tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước, đạt 62% chỉ tiêu thu nợ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Cục Thuế có kết quả thu nợ đạt dưới 50%.

Đánh giá về kết quả này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng đây là một tiến bộ đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm thu hồi nợ đọng được gần 8.300 tỷ đồng, thế nhưng nợ đọng lại tăng. “Khi sản xuất khó khăn, kinh tế giảm sút thì thu hồi nợ đọng không phải là dễ” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Đến hết ngày 30/6/2009, toàn ngành đã tiến hành kiểm tra được 2.008 hồ sơ hoàn thuế, đạt 20,2% số hồ sơ phải kiểm tra, thanh tra. Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và thu hồi 41,6 tỷ đồng tiền hoàn không đúng qui định về cho NSNN. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, ngành thuế cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra. “Mấy năm nay lượng hoàn thuế tăng rất lớn, có lúc con số lên 30.000 tỷ đồng. Dự toán hoàn thuế của chúng ta dường như không có cơ sở nào”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Ninh cũng nghiêm khắc nhận định: “Số thuế đã hoàn theo diện hoàn trước kiểm sau mới đạt 20% là quá thấp. Tôi đề  nghị số này phải tăng lên đến 70%. Theo Tổng cục Thuế, phát hiện khoảng 1% sai sót. Vậy nếu số hoàn lên đến 30.000 tỷ đồng thì 1% là rất lớn, bằng số thu của một tỉnh, ví dụ như Bắc Cạn, số thu chỉ là 100 tỷ đồng mỗi năm”.

Trao đổi với VOVNews về những vướng mắc trong công việc, ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Theo chỉ đạo, mỗi năm Chi cục thuế phải kiểm tra ít nhất 20% số lượng doanh nghiệp. Hiện nay, với khoảng 80.000 doanh nghiệp trên địa bàn thì chúng tôi phải kiểm tra đến 16.000 DN. Nhưng bây giờ không đủ lực lượng nên chúng tôi mới chỉ kiểm tra được trên 10%”. Ông Nguyễn Đình Tấn cũng chia sẻ thực tế ở địa phương, một Chi cục Thuế hiện đang quản lý ít nhất 10.000 DN

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng chỉ rõ yêu cầu đối với ngành thuế là: Không được để tình trạng dự toán năm sau thấp hơn năm trước. Năm nay có 17 tỉnh thành phố có dự toán thấp hơn năm 2008. “Tôi đề nghị đưa chỉ tiêu thu ngân sách vào khen thưởng thi đua cuối năm. Nếu địa phương nào hoàn thành kế hoạch thu nhưng thấp hơn năm trước thì không thể biểu dương được” – ông Vũ Văn Ninh nói.

DN nhỏ bị “vày vò” quá nhiều

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, ngành thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Các đơn vị phải thực hiện thanh tra theo đúng kế hoạch, nghiêm cấm việc thanh tra tùy tiện, lập biên bản giả, thanh tra mà không lập biên bản. “Có tình trạng cơ quan thuế thông báo thanh tra vài lần nhưng rồi lại không tiến hành. Hoặc DN nhỏ thì thanh tra liên tục”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, cần tập trung thanh tra tại các doanh nghiệp, tổng công ty lớn, những lĩnh vực kinh doanh “nóng” của nền kinh tế.

Thủ tục hành chính thuế là vấn đề bị “kêu” nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp L&H tại Hà Nội, muốn nộp tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân cho các thành viên trong Công ty. Để tiết kiệm thời gian đi lại, theo hướng dẫn, doanh nghiệp đã nộp tờ khai qua mạng. Thế nhưng, doanh nghiệp đã chờ đợi gần 5 tháng mà không thấy hồi âm nên đành phải lên tận Chi cục Thuế Quận Thanh Xuân để làm thủ tục. “Xem ra chúng tôi không mong đợi được nhiều vào các giao dịch qua mạng. Ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin ít được triển khai trong các giao dịch của ngành thuế” - đại diện doanh nghiệp này nói.

Nhìn nhận khá rõ về điểm yếu này của ngành thuế, ông Vũ Văn Ninh cho rằng: “Cần chọn một số địa phương để làm thí điểm việc giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng”.

Theo ông Nguyễn Đình Vu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong 6 tháng cuối năm 2009, ngành tiếp tục triển khai cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp dấu; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, đề xuất điều chỉnh sửa đổi phù hợp tình hình thực tế.

Khẳng định rõ hơn nhiệm vụ này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, ngành thuế phải tạo bước chuyển biến quan trọng để tạo ra tiền đề về cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, ngành còn tồn hơn 300 văn bản chưa trả lời các địa phương. Có những văn bản gửi cách đây hơn một năm mà vẫn chưa được giải quyết là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, cán bộ thuế phải có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân cũng như DN thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Theo thống kê, thời gian để một doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế trong một năm là 1050 giờ. “Con số này quá lớn, quá lãng phí, gây bức xúc rất lớn cho người nộp thuế. Tôi đề nghị chậm nhất là quý II năm 2010, ngành thuế phải giảm còn 70% số thời gian này, tức là còn khoảng 735 giờ” – ông Ninh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên