Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam đạt doanh số 80 tỷ đồng
Tuy nhiên, tham gia ngày hội vẫn không ít người còn băn khoăn.
Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam 5/12 đã thành công về doanh số với trên 57.000 đơn đặt hàng, tổng trị giá trên 80 tỷ đồng.
Ngày mua sắm trực tuyến có website chính thức: www.onlinefriday.vn do Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra từ 00h00 phút đến 24h thứ Sáu (5/12).
Các sản phẩm dịch vụ, dịch vụ của doanh nghiệp đăng ký bán hàng trực tuyến phải đáp ứng một trong số các tiêu chí của chương trình: có chính sách vận chuyển miễn phí, giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm, giảm giá theo đơn hàng, có quà tặng kèm, có khung giờ khuyến mại đặc biệt, giảm giá sâu.
Tham gia Ngày mua sắm trực tuyến có gần 1.000 doanh nghiệp, với 3.226 sản phẩm, dịch vụ được tiếp thị thông qua website của chương trình.
Một cán bộ Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, là thành viên tổ thư ký Ngày mua sắm trực tuyến cho biết, thống kê đến 18h chiều 5/12 đã có 1,5 triệu lượt truy cập website của chương trình.
Còn theo thống kê chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến lên tới 57.000 đơn hàng với tổng trị giá trên 80 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội và TP HCM là địa bàn có lượng người truy cập, đặt hàng nhiều nhất.
Ngày hội mua sắm trực tuyến tại Việt Nam nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng nhưng vẫn còn không ít băn khăn.
Quan tâm đến nhóm hàng quần áo thời trang nhưng sau 30 phút truy cập trang web chương trình mua sắm trực tuyến, chị Nguyễn Hồng Hạnh (nhà ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) chưa chọn được sản phẩm ưng ý.
Phần lớn các mặt hàng giảm giá sâu là nhóm trang phục mùa hè, muộn hơn là đồ dùng mùa thu trong khi đang là thời điểm mùa đông, không phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Hiện tại, các shop thời trang trên phố, nhóm sản phẩm này đang là hàng thanh lý. Giá bán thậm chí còn giảm nhiều hơn trên trang web.
“Tôi có cảm giác như các đơn vị đang muốn xả hàng hơn là khuyến mại thực chất khi quyền lợi và nhu cầu của người tiêu dùng chưa được coi trọng”- chị Hạnh chia sẻ.
Không ít người tiêu dùng có tâm lý hoài nghi về chất lượng thực sự của các sản phẩm được rao bán trong ngày mua sắm trực tuyến. Đang có nhu cầu mua đồng hồ, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Vĩnh Phúc) rất mừng khi tìm thấy sản phẩm mang thương thiệu Tissot được niêm yết với trên 2,5 triệu. Mức giá đã giảm 19%, kèm theo chế độ miễn phí vận chuyển của một website bán hàng trực tuyến.
Để chắc chắn mua được hàng “chuẩn”, anh Hùng liên hệ với cửa hàng đồng hồ Tissot chính hãng trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) để cung cấp mã sản phẩm xác minh. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng ở đây khẳng định, mã sản phẩm do anh Hùng cung cấp không đúng với mã sản phẩm trong hệ thống cửa hàng chính hãng. “Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được giải quyết ra sao nếu đặt mua qua chương trình này vẫn “dính” phải hàng giả, hàng nhái”, anh Hùng thắc mắc.
Cũng theo thông tin từ ban tổ chức cho biết, trước khi đăng tải các banner sản phẩm trên trang web chính thức đều có xác minh, đối chiếu thông tin từ đơn vị cung cấp. Ngoài ra, trên banner đều có mục “phản ánh khuyến mại xấu” tiếp nhận phản hồi từ người tiêu dùng nhằm xác minh xử lý đơn vị có hành vi vi phạm gian lận thương mại và tăng cường giải pháp quản lý chặt chẽ về chất lượng dịch vụ, sản phẩm trong giao dịch trực tuyến.
Ngày mua sắm trực tuyến sẽ được Bộ Công thương duy trì tổ chức thường niên vào thứ 6 đầu tiên của tháng 12 hàng năm./.