Ngư dân khó tiếp cận vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép
VOV.VN -Tại Quảng Bình, vẫn chưa ngư dân nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, trong khi số lượng đăng ký xin được đóng mới tàu cá ngày càng tăng.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Bình được phân bổ đóng mới 85 tàu cá. Tuy nhiên sau 2 tháng triển khai, hiện vẫn chưa có ngư dân nào của địa phương này tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, trong khi số lượng đăng ký xin được đóng mới tàu cá ngày càng tăng.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, ông Nguyễn Văn Thừa ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình rất phấn khởi khi nghe tin Chính phủ có chủ trương hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt. Khi nhận được thông báo đăng ký vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ông Nguyễn Văn Thừa cùng nhiều ngư dân nơi đây nhanh chóng hoàn tất thủ tục, vậy mà chưa ai tiếp cận được nguồn vốn này.
Còn ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: địa phương có gần 400 phương tiện đánh bắt xa bờ, nhu cầu vay vốn để đóng mới, nâng cấp, sửa chữa phương tiện của chủ tàu thuyền là rất lớn, nhưng số lượng phân bổ quá ít so với nhu cầu. Nguyện vọng của nhân dân được đáp ứng nhưng mà thực tế triển khai vẫn còn chậm. Hiện nay, mới có hướng dẫn tạm thời của ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh, tiếp tục sẽ lựa chọn những hộ ưu tiên làm điểm ban đầu để triển khai thời gian tới. Cả một huyện có lượng đánh bắt tàu xa bờ lớn nhưng phân bước đầu 5 chiếc thì quá ít so với nhu cầu của người dân.
Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 1.000 chủ tàu đăng ký vay 2.300 tỷ đồng để đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình được phân bổ đóng mới 85 tàu. Vì vậy, tỉnh ưu tiên cho những dự án đóng tàu tải trọng và công suất lớn; ngư dân đã có phương tiện khai thác hải sản và có phương án tổ chức sản xuất hiệu quả... Tỉnh này đang rà soát, lựa chọn dự án thực hiện trên cơ sở hồ sơ được xét duyệt từ cấp cơ sở.
Ông Lê Minh Phú, phó Chi cục Trưởng Chi cục khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: từ nay đến tháng 3 năm sau, tỉnh sẽ thí điểm đóng mới 16 tàu cá, trước khi thực hiện đại trà. UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị thực hiện thí điểm Nghị định 67 này. Theo quan điểm của lãnh đạo Ủy ban thì Quảng Bình thực hiện Nghị định 67 một cách thận trọng. Mặc dù đẩy nhanh tiến độ và hướng tới hiệu quả nhưng không đầu tư kiểu phong trào.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với 7 ngân hàng, các huyện, thành phố sớm hoàn tất hồ sơ thủ tục để người dân vay được vốn. Ông Lương Hải Lưu, Giám đốc Ngân hàng Công thương Quảng Bình cho biết: Ngân hàng đã chuẩn bị từ 200 đến 300 tỷ đồng, sẵn sàng giải ngân khi đủ hồ sơ.
Nghị định 67 ngay từ khi mới ban hành đã được ngư dân ngóng đợi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để ngư dân sớm tiếp cận được nguồn vốn đóng tàu mới hiện đại, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần giám sát việc thực hiện, xây dựng phương án cụ thể, sát thực tế... để chủ trương của Đảng, Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, giúp ngư dân vươn khơi an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.