Người nuôi yến ở Bà Rịa – Vũng Tàu gặp khó vì Nghị quyết của HĐND tỉnh

VOV.VN - Theo Nghị quyết số 14 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, những người nuôi yến trong khu vực nội thành, nội thị sẽ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2024.

Việc di dời trên là chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực đô thị, song lại khiến không ít hộ gia đình nuôi yến ở Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó khăn.

Năm 2018, hộ gia đình của ông Diệp Thanh Phong, ngụ khu phố Long Bình, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền xin chính quyền địa phương tận dụng tầng trên cùng của ngôi nhà đang ở, đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi chim yến. Ông Phong cũng cam kết với địa phương việc không gây tiếng ồn, không gây ô nhiễm môi trường, hay làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Từ đó đến nay, sản phẩm tổ yến cũng đủ dùng trong gia đình, chưa có thu nhập từ nuôi yến. Theo ông Phong, việc HĐND tỉnh ra Nghị quyết về di dời các hộ nuôi yến ra khỏi khu nội thành, nội thị khiến những người mới nuôi như ông gặp khó khăn, nhất là khi địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến.

"Ở khu vực này không giống như các tỉnh, thành khác là từ năm thứ 3 sau nuôi đã có thu nhập. Do đó, bà con chúng tôi mong muốn được tiếp tục nuôi, vì lúc trước nhà nước chưa có quy định cấm nuôi, giờ sợ gây tiếng ồn trong khu dân cư nên cấm" - ông Phong cho biết.

Còn gia đình ông Lê Quang Bình, ngụ ở khu phố Long Liên, thị trấn Long Điền nuôi yến cách đây 11 năm nhưng mới có được thu nhập từ năm ngoái. Mỗi tháng, hộ gia đình ông Bình thu 4kg tổ yến, bán ra thị trường khoảng 80 triệu đồng. Số tiền này vẫn chưa đủ bù vào chi phí đã đầu tư. Với số tiền 2 tỷ đầu tư nuôi yến, nếu gửi ngân hàng thì tiền lãi trong 11 năm qua tính ra ổn định hơn rất nhiều. Nay gia đình bắt đầu có thu nhập từ nuôi yến nhưng lại phải di dời thì thực sự khó khăn. 

Ông Lê Quang Bình trăn trở cho biết: "Nếu phải dời đi chỗ khác thì gia đình tôi không làm nữa vì thu nhập không cao, giờ người dân chỉ mong muốn được tiếp tục. Theo tôi, nếu ai muốn làm mới thì không cho, còn người làm trước khi Nghị quyết ra đời thì cho tồn tại".

Theo Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn có hơn 100 cơ sở nuôi chim yến, chủ yếu tập trung ở các huyện Long Điền, TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và một số ít ở huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Riêng tại TP. Vũng Tàu, có 35 cơ sở nuôi chim yến. Các cơ sở này chủ yếu tận dụng tầng trên của toà nhà để nuôi. Trong nhiều năm qua, chim yến mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở các phường như: 3, 7, 10, 11,12, Nguyễn An Ninh… 

Bà Lê Hải Vân, Phó Trưởng phòng Kinh tế, TP.Vũng Tàu cho biết: "Nhìn chung người dân chủ yếu tận dụng nhà ở để nuôi chim yến, ở thành phố Vũng Tàu việc nuôi chim yến cũng không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Sóng âm dẫn dụ chim yến mở vào giờ làm việc chứ không phải giờ nghỉ hoặc là giờ ảnh hưởng người khác. Tuy nhiên, Nghị quyết 14 của HĐND là của toàn tỉnh, thông tin người dân đã biết là phải chấm dứt và di dời".

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có quy hoạch vùng nuôi đối với chim yến. Hiện, ngành nông nghiệp các địa phương đang tiến hành xác định ranh giới vùng được nuôi và không được nuôi. Đối với vùng được nuôi phải xây nhà chim yến có khoảng cách tối thiểu 300m tính từ ranh giới vùng không được nuôi. Người nuôi phải đảm bảo những quy định về xây dựng, môi trường, tiếng ồn….

Theo ý kiến của những người nuôi chim yến, Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về di dời các hộ nuôi chim yến ra khỏi khu vực nội thành, nội thị cần có lộ trình dài hơn, hướng dẫn cụ thể hơn về vùng nuôi thay vì yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu không chịu di dời trước ngày 31/12/2024. Bởi nếu được đầu tư và có vùng nuôi thích hợp, chim yến sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn so với chăn nuôi các loại gia súc gia cầm khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên