Người Việt bán hàng qua Amazon, Alibaba cần những kỹ năng gì?
VOV.VN - Theo đánh giá của các nhà quản lý, bên cạnh xuất khẩu truyền thống, việc xuất khẩu qua các kênh TMĐT như Amazon, Alibaba… là vô cùng cần thiết.
Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, Việt Nam đã chứng kiến những cột mốc phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2020 doanh số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, mô hình doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) vẫn tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả hơn với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý, mấu chốt là các doanh nghiệp (DN) phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng. Để mở rộng hợp tác, chung tay giúp đỡ DN Việt Nam phát triển với TMĐT xuyên biên giới chính là mục tiêu của Chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” do Amazon Global Selling khởi xướng hợp tác cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA – Bộ Công Thương) công bố ngày 28/4 tại Hà Nội.
Chương trình hợp tác “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” giữa IDEA và Amazon Global Selling sẽ tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trên hành trình vươn mình ra thế giới, thông qua việc cung cấp kiến thức về TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển DN trên quy mô toàn cầu.
Sáng kiến cũng mong muốn hỗ trợ xây dựng một môi trường năng động cho người bán hàng Việt Nam, giúp họ có được kiến thức bán hàng trên phạm vi toàn cầu, từ đó nắm bắt cơ hội đến từ sự phát triển của TMĐT để mở rộng phạm vi kinh doanh đến những quốc gia khác trên thế giới. Chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” bao gồm nhiều chương trình giáo dục và đào tạo TMĐT xuyên biên giới với các chủ đề như bán hàng trên Amazon, quá trình thiết lập gian hàng, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon FBA (Fulfillment by Amazon), xây dựng thương hiệu trên Amazon…
Đánh giá TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh xuất khẩu hiệu quả, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội chia sẻ, việc bán hàng qua các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các DNNVV.
"Năm 2021 dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 5% so với năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 dự kiến chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng 5%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 20,4 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu nêu trên, bên cạnh xuất khẩu truyền thống, việc xuất khẩu qua các kênh TMĐT như Amazon, Alibaba… là vô cùng cần thiết”, bà Trần Thị Phương Lan chỉ rõ.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng IDEA nhận định, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương là quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT xuyên biên giới thanh nhất thế giới. Tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trưởng đạt tung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4% /năm trong giai đoạn 2016-2020. “Với doanh thu TMĐT B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho DN mở rộng thị trường”, bà Lại Việt Anh tin tưởng.
Hiện thực hóa ước mơ tham gia thương mại hóa toàn cầu
Trong những năm qua, đội ngũ chuyên trách của Amazon Global Selling Việt Nam không ngừng thúc đẩy và tạo điều kiện để các thương hiệu và DN Việt trên Amazon tiếp cận với khách hàng quốc tế. Hiện tại, có rất nhiều DN lớn, nhỏ tại Việt Nam đang bán hàng trên Amazon như Cà phê Trung Nguyên, Giày Biti’s… và chỉ trong năm 2020, số lượng hàng hóa bán trên Amazon được đạt doanh số trên 1 triệu USD đã tăng gấp 3 lần.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới, tạo lập được vị thế vững vàng ngay giữa đại dịch Covid-19. "Amazon Global Selling Việt Nam mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhiều hơn nữa các DN vươn ra toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới. Amazon đã và đang tích cực hiện thực hóa mong muốn ấy bằng cách mở rộng hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; để cùng nhau thay đổi tương lai của ngành xuất khẩu Việt Nam và tăng cường phát triển kinh tế số”, ông Gijae Seong khẳng định.
Tính tới nay, Amazon Global Selling đã thành lập hai đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và TPHCM nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam về mọi mặt. Trong khuôn khổ hợp tác năm 2021, Amazon Global Selling sẽ phối hợp cùng IDEA tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị cho hàng trăm DNNVV tại Việt Nam những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon một cách hiệu quả nhất.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng IDEA lưu ý, dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này.
"Bên cạnh những hoạt động đào tạo và sự mở rộng hợp tác với IDEA, Amazon sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển những sáng kiến để hỗ trợ người bán xuất khẩu thông qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới. Phiên bản tiếng Việt của Trung tâm Thông tin bán hàng vẫn đang được cải tiến từng ngày, giúp DN truy cập dễ dàng hơn, nâng tầm trải nghiệm xuyên suốt toàn bộ quy trình bán hàng, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên trách mới được thành lập tại Hà Nội cũng đang sát cánh cùng đội ngũ của Amazon Global Selling tại TPHCM để mở rộng các khóa đào tạo và chương trình hướng dẫn cho người bán hàng trên nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam”, ông Hải khẳng định./.