Nguồn nhân lực - chìa khóa giải bài toán cho ngành công nghiệp vật liệu

VOV.VN - Công nghiệp vật liệu của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển là do nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.

Một trong 12 định hướng lớn phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định, đó là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Để cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022.

Trước yêu cầu của sự phát triển, bài toán vật liệu cho sản xuất cần phải được giải càng sớm càng tốt và chìa khóa để giải bài toán này là nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực cho công nghiệp vật liệu chưa tương xứng

PGS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm INOMAR, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, từ năm 1995 đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã thành lập các đơn vị đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vật liệu. Trong đó, đại học này tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu tiềm năng và bước đầu đã có 9 chương trình nghiên cứu trọng điểm. Mỗi năm, Đại học Quốc gia TPHCM có 400 cử nhân và kĩ sư, 50 thạc sĩ và 20 tiến sĩ tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ vật liệu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Bách Thắng cũng thừa nhận, so với nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp vật liệu ở khu vực phía Nam thì quy mô đào tạo hiện nay ở các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM vẫn còn khá nhỏ. Và muốn mở rộng quy mô cũng khó vì tuyển sinh đầu vào cho ngành công nghệ vật liệu phải cạnh tranh rất mạnh với các nhóm ngành như công nghệ thông tin, điện tử.

“Chúng tôi đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, hiện phải tăng cường thêm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy vào lĩnh vực khoa học công nghệ vật liệu để tăng cường chất lượng đầu ra. Thời gian qua Bộ Khoa học- Công nghệ cũng có nhiều chương trình thúc đầy hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp thì cần tiếp tục các chương trình này” - PGS.TS Phan Bách Thắng nói.

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc đưa đào tạo công nghiệp vật liệu vào cơ cấu ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra đảm bảo chuẩn khu vực và quốc tế. Trước việc nhu cầu đào tạo lớn như khó tuyển sinh, kiến nghị trung ương xem xét có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh, đào tạo về công nghiệp vật liệu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với việc phát triển nhân lực công nghệ vật liệu, Bộ luôn chủ trương đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng. Trong giai đoạn 2011- 2020, đã có hàng trăm nhân lực chất lượng cao trong chuyên ngành vật liệu được đào tạo thông qua các chương trình khoa học– công nghệ cấp quốc gia. Với nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu ngày càng cao như hiện nay, Việt Nam không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng mà còn rất cần các cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Khoa học- Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo xây dựng dự thảo quy định hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó có chú ý đến các nhóm nghiên cứu.

“Có hơn 51% nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học. Cho nên, cần có cơ chế chính sách để công nhận các nhóm nghiên cứu tiêu biểu, các nhóm mạnh trong các cơ sở đại học thì kỳ vọng sẽ thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ vật liệu” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

Phải đưa được cơ chế, chính sách vào thực tiễn

TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện Việt Nam đang xuất khẩu hàng tỉ USD hàng hóa dệt may, da giày, nhựa, thép… nhưng vật liệu để làm ra các sản phẩm này thì vẫn chủ yếu là nhập khẩu. Ví dụ như ngành nhựa, sản phẩm xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia nhưng 80% nguyên liệu nhập khẩu; thép công nghiệp và thép chế tạo cũng nhập khẩu; nguyên vật liệu cho dệt may cũng vậy. Vấn đề là nhiều cơ chế cho nghiên cứu phát triển công nghiệp vật liệu chưa được thực thi nên chưa có nhiều kết quả.

“Rất nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành nhưng đến thời điểm này có nhiều cơ chế chưa thực tế. Ví dụ như quỹ phát triển Khoa học công nghệ, chúng ta đã có hành lang pháp lý, nhưng triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Nếu chúng ta đưa quỹ này vào trong thực tiễn và các doanh nghiệp đồng tình thực hiện thì đạt được nhiều đích, kể cả nguồn lực lẫn gắn kết các hoạt động khoa học công nghệ” - TS. Nguyễn Đình Hậu nêu ý kiến.

Trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, Việt Nam có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển, có gần 173.000 người và chủ yếu làm việc trong các tổ chức giáo dục đại học. Cùng với các cơ chế, chính sách thì tỉ lệ chi của ngân sách quốc gia cho nghiên cứu và phát triển vật liệu tăng theo từng năm và đến năm 2017 bằng 0,52% GDP. Những con số này cho thấy nhân lực công nghệ khoa học và kinh phí cho nghiên cứu của Việt Nam ở mức thấp. Hiện nhân lực khoa học công nghệ tính trên 1.000 người lao động của Việt Nam chỉ đạt 0,7 (các nước phát triển là 8,6).

PGS.TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam kiến nghị: “Chúng ta phải có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phù hợp. Chúng ta phải nâng được tỉ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ vật liệu. Tôi nghĩ rằng nguồn đầu tư này không chỉ từ ngân sách nhà nước mà phải có cơ chế huy động từ doanh nghiệp. Chúng ta phải tạo được môi trường liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học”.

Công nghiệp vật liệu không đóng vai trò sản xuất trực tiếp đáp ứng yêu cầu của người dân mà giữ vai trò phụ trợ trong phát triển tất cả các lĩnh vực sản xuất. Công nghiệp vật liệu của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển là do nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập. Việt Nam có chiến lược quốc gia cho công nghiệp nói chung và công nghiệp vật liệu nói riêng khá tốt nhưng thiếu đầu tư, thiếu tạo điều kiện cho triển khai thực hiện và thiết chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, trước hết, các bộ ngành, địa phương cần rà soát lại các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này để thực hiện ngay. Đồng thời, những kết quả, mô hình nghiên cứu sản xuất vật liệu của các tỉnh thành, trường, viện cần được chuyển giao, nhân rộng. Bên cạnh đó, Chính phủ và từng bộ ngành sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đào tạo nhân lực, phát triển vật liệu cho các ngành trọng yếu.

“Đảng đã đề ra định hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo, đồng thời xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.

Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng
Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng

VOV.VN - Bên cạnh những giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động khai thác thế mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng

Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng

VOV.VN - Bên cạnh những giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động khai thác thế mạnh.

Nhiều DN ngành vật liệu xây dựng có thể phá sản
Nhiều DN ngành vật liệu xây dựng có thể phá sản

(VOV) - Lượng tồn kho của ngành này lớn nhất từ trước tới nay khiến một số đơn vị đang có nguy cơ phá sản.

Nhiều DN ngành vật liệu xây dựng có thể phá sản

Nhiều DN ngành vật liệu xây dựng có thể phá sản

(VOV) - Lượng tồn kho của ngành này lớn nhất từ trước tới nay khiến một số đơn vị đang có nguy cơ phá sản.

Lối ra cho ngành vật liệu xây dựng
Lối ra cho ngành vật liệu xây dựng

Liệu việc mở van tín dụng đối với một số nhóm bất động sản có tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian tới?

Lối ra cho ngành vật liệu xây dựng

Lối ra cho ngành vật liệu xây dựng

Liệu việc mở van tín dụng đối với một số nhóm bất động sản có tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian tới?