Nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp
VOV.VN - Số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp.
Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Ông Thanh kiến nghị cần có các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (chỉ đạt 75,8% so với dự toán Quốc hội giao) dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Công tác triển khai chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, ông Thanh nêu rõ.
Trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay: Kết quả kiểm toán cho thấy: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn (KHV) đầu tư phát triển năm 2017 nguồn NSNN 04 lần sau ngày 20/12/2016; bố trí KHV chưa đúng thứ tự ưu tiên, chưa đúng đối tượng, vượt định mức hỗ trợ 1.660 tỷ đồng; giao KHV ngoài nước cho 04 Dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) 5.338 tỷ đồng không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016.
Ông Phớc chỉ rõ, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.
Ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước |
Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng cho thấy, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phân bổ vốn cho 21 chương trình mục tiêu chỉ đạt 53,61%, so với tổng số vốn được xác định trong Nghị quyết 73/NQ-CP, thiếu 130.568 tỷ đồng dẫn đến gây áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo; bố trí vốn cho Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 không phù hợp với thời gian thực hiện chương trình, đến nay mới bố trí vốn được 16% kế hoạch vốn của chương trình, trong đó vốn ngân sách trung ương mới bố trí được 27%, có nguy cơ không đạt được các mục tiêu của chương trình.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019. Theo đó, ước giải ngân thanh toán nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đánh giá chung, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019 các Bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, số liệu giải ngân này vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt giải ngân vốn ngoài nước chỉ là 1.186,565 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao./.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội ngày 20/5, dự kiến làm việc trong 20 ngày, bế mạc vào ngày 14/6.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác, trong đó có Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.../.