Nhà nước giảm tối đa phần vốn tại các cảng biển trọng yếu
Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn 51% thay vì 75% như quyết định trước đây.
Việc chuyển quyền khai thác, quản lý tại các cảng biển không những sẽ thu về cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng, mà còn tạo nên diện mạo mới cho hệ thống cảng biển Việt Nam.
Cho đến nay, việc đầu tư, quản lý và khai thác các cảng biển vẫn theo hình thức cũ, chủ yếu dùng nguồn vốn ngân sách. Mô hình này đã không còn phù hợp, thậm chí kìm hãm sự phát triển và không đáp ứng được tình hình mới trong thời kỳ hội nhập.
Chính vì thế, người đứng đầu ngành GTVT mới đây đã có chỉ đạo phải giảm tối đa phần vốn Nhà nước để dành quyền khai thác, quản lý tại các cảng biển cho các thành phần kinh tế khác, qua đó tái cơ cấu lại hoạt động cảng biển. Thực tế cho thấy, nhiều cảng biển sau khi chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác đều có lợi nhuận tăng lên gấp ba, bốn lần so với khi Nhà nước còn sở hữu.
Đã có những nhà đầu tư đăng ký mua tới 90% cổ phần cảng Đà Nẵng, 100% cổ phần cảng Quảng Ninh, 49% cổ phần cảng Hải Phòng, hầu hết giá mua vào đều cao hơn mức khởi điểm giao bán ban đầu. Việc chuyển quyền khai thác, quản lý không những sẽ thu về cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng, mà còn tạo nên một diện mạo mới cho hệ thống cảng biển Việt Nam.
Hiện bộ GTVT đã lên danh sách 9 cảng biển lớn để kêu gọi các nhà đầu tư. Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Với các cảng còn lại như Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh... tỷ lệ vốn Nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%, thậm chí có thể thoái toàn bộ vốn.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết: Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý, còn cơ sở hạ tầng, giá vẫn do Nhà nước kiểm soát nên cho dù thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nào thì vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc chuyển giao các cảng biển này không những sẽ giải quyết cơ bản tình trạng phát triển manh mún, thiếu hiệu quả, mà còn tạo ra một nguồn vốn không nhỏ để Nhà nước tập trung đầu tư vào các cảng lớn hơn, hiện đại hơn.
Theo chiến lược phát triển chung của ngành đến năm 2020, nhu cầu đầu tư cần khoảng 100.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ đáp ứng một phần. Đại diện Cục Hàng hải cho biết, sẽ phấn đấu thu hút khoảng 45% trong tổng số nguồn vốn đầu tư này từ nguồn xã hội hóa./.