Nhà thầu chật vật cắt lỗ khi giá vật liệu xây dựng "nhảy múa"
VOV.VN - Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, nhiều đơn vị thi công lỗ nặng, dự án chậm tiến độ. Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn.
Hiện nay, tại TP.HCM các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá. Cụ thể, trong một năm qua, giá gỗ tăng 50%; giá nhôm, cát, thép phi 8 tăng 40%; giá gạch cũng tăng nhẹ gần 10%… Nhân công đang thiếu hụt trầm trọng, giá thuê mỗi thợ chính năm nay cao hơn khoảng 150.000 đồng/ngày so với năm trước, thợ phụ tăng gần 100.000 đồng/ngày. Chưa kể giá xăng, chi phí thuê mặt bằng cùng với các phí vận chuyển khác cũng lên giá chóng mặt gây đau đầu cho các bên.
Anh Lương Hữu Hải, Giám đốc nhóm Công ty xây dựng Thanh Bình – Amy Maya cho biết, nhiều công trình phải tạm ngừng xây dựng do mỗi lần giá nguyên vật liệu tăng là một lần phải điều chỉnh giá trị công trình. Công ty lúc nào cũng làm việc trên tinh thần giảm lỗ, không có lợi nhuận.
“Vừa qua Tết, giá nhân công, vật tư biến động mạnh, tăng khoảng 10-15%. Khi mà có biến động về giá xăng dầu thì biểu đồ tăng giá không còn chập chờn nữa mà lên thẳng 50%. Tổng giá trị công trình đang là 1 tỷ đồng thì sẽ tăng thêm 1,25 tỷ đồng. Từ đó khách hàng sẽ mất thêm 25% tổng giá trị công trình dẫn đến việc khách hàng đắn đo có tiếp tục làm hay không” - anh Hải chia sẻ.
Trong một năm qua, công ty Thanh Bình thua lỗ 12 tỷ đồng, phải bán tài sản để chi trả. Giá nguyên vật liệu mỗi ngày một tăng mạnh hơn nên chủ thầu phải từ chối nhận nhiều công trình. Anh Hải cho biết, càng nhận nhiều công trình càng lỗ nặng, nếu cho hết nhân viên nghỉ rồi đưa tiền để đi ăn uống thì còn đỡ tốn hơn số tiền mất khi đi làm.
Bà Hoàng Thị Mai – Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hoàng Thiện lâu nay nhờ tự cung cấp một số vật liệu như gạch, cát, xi măng… nên thiệt hại có phần nhẹ hơn với các đơn vị thi công khác. Trong quá trình xây dựng, mỗi lần nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, chị phải thương lượng với chủ đầu tư để thống nhất giá cả, mỗi bên chịu một nửa, cùng nhau chia sẻ khó khăn để công trình không chậm tiến độ
Ngoài ra, mỗi khi muốn tăng giá, các nhà cung cấp phải có thông báo trước từ 7-10 ngày. Mỗi lần nhận được thông báo, bà Mai thường đến mua về tích trữ ngay lập tức, tránh để bị đội chi phí lên cao.
“Ví dụ giá vật liệu phải ký hợp đồng trước. Nếu muốn tăng giá vào ngày mai thì hôm nay doanh nghiệp bảo công ty tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền ra để ôm hàng trước sẽ bớt được một phần chi phí” - bà Mai nói.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, mỗi công trình, dự án, chi phí vật liệu chiếm từ 70-80% giá thành. Khi giá tăng lên như vậy thì bắt buộc các nhà thầu phải tăng giá. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã ký, mọi thứ sẽ khó khăn khi các chủ đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp thi công phải tuân theo giá cũ. Nếu tăng giá, nhà đầu tư cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng khi biên độ lợi nhuận trong ngành xây dựng hiện nay khá thấp. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nhà thầu không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Đối với các tập đoàn lớn như VinGroup, Novaland, Nam Long… thì đều có những chính sách để điều tiết lại với nhà thầu xây dựng. Mặc dù vậy, giải pháp này khá bị động và chỉ mang tính tạm thời.
“Khi chi phí công trình tăng sẽ khiến doanh nghiệp rất bị động, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư kinh doanh của các dự án bất động sản. Hoặc là các công trình xây dựng về cơ sở hạ tầng của nhà nước đều bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng” - ông Đinh Hồng Kỳ phân tích.
Trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng đang có nhiều biến động, ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh ký ban hành Công văn số 959 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng.
Theo đó, các địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh hiện tượng "đầu cơ, thổi giá". Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến sẽ được rà soát, cập nhật vào danh mục để công bố./.