Nhà thầu Trung Quốc đòi Tisco bồi thường hàng trăm tỷ đồng
Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc đang yêu cầu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên bồi thường cả trăm tỷ đồng do thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật.
Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) - nhà thầu trong Dự án Mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) bồi thường cả trăm tỷ đồng do thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến cuối năm 2015.
Tisco đang thương thảo với MCC để Dự án Mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II tiếp tục được triển khai từ tháng 4/2016. |
7.871 tỷ hay 9.030 tỷ đồng?
Theo báo cáo của Tisco, tổng mức đầu tư của Dự án Mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế Xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu MCC. Với tổng mức đầu tư này, tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt.
Dẫu vậy, Tisco cũng đưa ra hàng loạt điều kiện giả định để Dự án đạt hiệu quả đầu tư tài chính với IRR là 10,78%, thu hồi vốn trong 17 năm. Cụ thể, tổng mức đầu tư sẽ còn là 7.871 tỷ đồng, nhưng kèm theo các cơ chế đặc thù cho Dự án như miễn một số khoản thuế, cơ chế tín dụng, khoanh/giảm lãi, điều chỉnh lãi suất, thời gian vay, trả nợ ngân hàng hay không tính thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư.
Dự án cũng được lên kế hoạch khởi động lại từ tháng 4/2016, thi công trong 18 tháng và đưa vào sản xuất thương mại từ tháng 1/2018. Công suất huy động năm đầu tiên được tính toán là 75%, năm thứ hai là 90% và sau đó ổn định với 100% công suất thiết kế. Đáng chú ý là, giá phôi thép cũng được tính toán bình quân ở mức 8,1 - 8,2 triệu đồng/tấn trong năm 2015 - 2016 và dao động từ 9,2 đến 10 triệu đồng/tấn trong giai đoạn tiếp đó tới năm 2020.
Không lạc quan nhiều với các tính toán trên của Tisco, Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC), đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia cùng Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Tisco tháo gỡ khó khăn của Dự án, đã cho rằng, ngay cả các tổng mức đầu tư của Dự án sau khi rà soát lại này cũng chưa vững chắc, bởi có nhiều phần công việc chưa thể tính toán được.
Đơn cử, chi phí dự trù cho việc mua sắm lại thiết bị hỏng hóc và vật liệu phần P (trong hợp đồng EPC) do dừng thi công lâu ngày dẫn tới gỉ sét là 5 triệu USD song phần lớn các thiết bị dù đã được chuyển tới công trường nhưng lại chưa mở hòm và kiểm định. “Các đề xuất của Tisco về cơ chế đặc thù cho Dự án đều vượt khung quy định của pháp luật hiện hành”, SCIC nhận xét.
Đó là chưa kể tới thực tế, giá phôi thép năm 2015 từ Trung Quốc chỉ là 6,5 - 7 triệu đồng/tấn, thấp hơn khá xa so với mức được đưa ra để tính toán hiệu quả của Dự án. Ngay cả thời điểm tháng 4/2016 để khởi động lại Dự án cũng được SCIC cho là không dễ dàng, bởi có hàng loạt công việc liên quan cần phải hoàn tất trước đó, như ký lại hợp đồng tín dụng với các ngân hàng; xác định khối lượng, lập và thẩm định dự toán cho các công việc còn lại, chọn nhà thầu theo quy định, có giải pháp dứt điểm với nhà thầu cũ để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu mới...
Cả trăm tỷ đồng tiền bồi thường
Trong các điều khoản mà Tisco thương thảo với MCC để Dự án tiếp tục được triển khai, có khoản chi phí bồi thường thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến khi tái khởi động lại Dự án là 105 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một khoản 86,4 tỷ đồng là chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường cũng được MCC đặt ra với Tisco.
MCC còn liệt kê các khoản chi hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng tăng thêm khác trong việc vận hành lại Dự án này. Đó là khoản 27,6 tỷ đồng tăng thêm để khắc phục khuyết tật phần xây dựng đã thi công do Dự án kéo dài tiến độ; 41,5 tỷ đồng phát sinh của dịch vụ sau bán hàng; 225 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng phần P trong gói thầu EPC số 01 hay 20 tỷ đồng tăng thêm của chi phí quản lý dự án cho phần công việc tiếp tục còn thực hiện đến khi đưa Dự án vào sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận xét, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, song Dự án được triển khai rất chậm, nếu tiếp tục kéo dài thì nguy cơ đổ vỡ là rất cao.
Đến thời điểm hiện nay, Tisco đã chi cho Dự án 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ đồng. Đại diện tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch UBND Vũ Hồng Bắc bên cạnh việc cho rằng, nếu không được giải quyết đồng bộ và kịp thời các cơ chế, nguy cơ đổ bể của Dự án là khó tránh, cũng đã nhắc tới câu chuyện 6.000 người lao động mất việc làm, hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xã hội của khu vực phía Nam TP. Thái Nguyên.
Được biết, Bộ Công thương, tỉnh Thái Nguyên hay SCIC cũng đều đồng tình với việc tháo gỡ khó khăn tổng thể cho Dự án để tiếp tục triển khai./.