Nhân rộng mô hình kinh doanh tái sử dụng chất thải nông nghiệp

VOV.VN - Ông Krishna Rao, Viện Quản lý Nước Quốc tế: chất thải ra hàng ngày gây ra nguy hại đối với sức khỏe và ô nhiễm môi trường...

Hội thảo “Mô hình kinh doanh và giải pháp tái sử dụng chất thải nông nghiệp tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (22/5), tại Hà Nội. Hội thảo này do Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), trường Đại học Y tế Công cộng (HSPH) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng nêu rõ: Hàng năm có hàng tỷ chất thải tạo ra (trên 19,3 tỷ kg chất thải từ khoảng 16,5 triệu con lợn), Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi. Khoảng 55% trang trại nuôi lợn trên cả nước tập trung ở khu vực đồng bằng Sông Hồng, trong đó phần lớn các chất thải rắn chăn nuôi không được sử dụng mà được thải ra môi trường.


PGS Bùi Thị Thu Hà nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo này rất có ý nghĩa và nhằm khai thác tiềm năng nhân rộng mô hình kinh doanh tái sử dụng chất thải nông nghiệp. Ngoài ra, Hội thảo cũng tập trung vào phát triển hiểu biết chung về các thách thức và cơ hội liên quan đến chất thải nông nghiệp với những sáng kiến đang có ở Việt Nam.

Trình bày tại hội thảo, ông Krishna Rao, Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) của Thụy Điển chia sẻ: Nông nghiệp đóng phần quan trọng đối với Việt Nam vì nó chiếm hơn 20% GDP. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông nghiệp có nhiều khối lượng chất thải ra hàng ngày gây ra nguy hại đối với sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Các chất thải nông nghiệp rửa trôi các khoáng chất và ô nhiễm nước ngầm; rối loạn chức năng hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học. 

“Chế biến nông sản làm gia tăng giá trị trong nông nghiệp như: tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị thị trường của sản phẩm; tăng thời gian sử dụng của sản phẩm và an toàn thực phẩm…Việt Nam thải ra 73 triệu tấn rác thải động vật như: phân, thức ăn thừa và xác động vật chết”, ông Krishna Rao nhấn mạnh. 

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hùng Cường, Viện Chăn nuôi cho biết về thực trạng và vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Theo ông Cường, tình trạng chăn nuôi đang phát triển rất nhanh và việc phát triển nhanh cũng đồng nghĩa với sự thải ra cũng nhiều. Hiện nay, Việt Nam có 2,6 triệu con gia súc, trong đó có trên 5.000 con bò và lợn 26.000 con lợn thịt, lợn nái. Vì vậy,  việc quản lý chất thải như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường đang là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, ngay cả đối với mô hình chăn nuôi lớn theo trang trại thì tỷ lệ sử dụng công trình ga sinh học (biogas) ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam còn hết sức hạn chế (khu vực miền Bắc ở mức 58,5%, miền Trung 41,9% và miền Nam là 53,5%)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên