Nhập khoai tây Pháp không ảnh hưởng xấu tới sản xuất trong nước
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, nhập khẩu khoai tây Pháp không ảnh hưởng xấu tới sản xuất và thị trường trong nước.
Hiện nay rất nhiều tiểu thương và các đầu mối kinh doanh khoai tây lo lắng việc Việt Nam sắp cho nhập 3.000 tấn khoai tây từ Pháp vào Việt Nam.
Trước đó, chia sẻ trước thềm sự kiện Triển lãm quốc tế về công nghiệp thực phẩm Việt Nam - Vietnam Foodexpo 2017 do Bộ Công thương vừa tổ chức, ông Alexandre Bouchot - Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: Pháp sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên xuất khẩu khoai tây vào thị trường Việt Nam khi lô hàng đầu tiên khoảng 3.000 tấn sẽ cập cảng tại Việt Nam trong quý I-2018.
Khoai tây Pháp dự kiến vào thị trường Việt Nam từ quý I/2018 (Ảnh: VnExpress) |
Trong khi đó, khoai tây là mặt hàng nông sản được rất nhiều doanh nghiệp và bà con tiểu thương kinh doanh. Tại miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đều có nhiều nông dân trồng khoai tây. Việc cho nhập một lượng lớn khoai tây châu Âu liệu có làm xáo trộn thị trường tiêu thụ nội địa hiện nay.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT khẳng định, việc cho phép doanh nghiệp Pháp xuất khẩu khoai tây vào Việt Nam không hề ảnh hưởng xấu tới sản xuất và thị trường tiêu thụ trong nước, trái lại còn là điều kiện để đáp ứng nhu cầu hoạt động du lịch.
Theo ông Trung, cơ quan chức năng và doanh nghiệp của Pháp đã gửi hồ sơ kỹ thuật đề nghị xuất khẩu khoai tây vào Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng đến nay, Cục Bảo vệ thực vật mới hoàn thành việc đánh giá nguy cơ dịch hại khi cho nhập khoai tây Pháp vào Việt Nam. “Đến thời điểm này, có thể nói là an toàn khi nhập khoai tây của Pháp”.
Ông Trung nói rõ thêm, sau khi đánh giá xong, có báo cáo về phân tích dịch hại, trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã thống nhất với phía Pháp xây dựng điều kiện kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Cục đã cử một đoàn kỹ thuật sang kiểm tra, đánh giá xem phía Pháp có đúng là áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng điều kiện của mình hay không, lúc đó mới cho phép nhập khẩu. Trình tự làm chặt chẽ theo đúng thông lệ quốc tế.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định việc nhập khẩu tới 3.000 tấn khoai tây Pháp không ảnh hưởng tới sản xuất và thị trường trong nước vì hiện nay nhu cầu khoai tây ở nước ta cao mà năng lực sản xuất cung ứng không đủ. Vì vậy, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 30.000 tấn khoai tây của Trung Quốc (gần đây có giảm nhưng chỉ giảm chút ít).
Sở dĩ phải nhập khẩu khoai tây của châu Âu vì mỗi loại khoai tây có một giá trị và mục đích sử dụng khác nhau. Ông Trung cho biết: Giống khoai tây của Pháp rất bở, mùi thơm và chỉ phù hợp khẩu vị của người châu Âu, có thể chế biến thành bột khoai tây nên cần nhập về để phục vụ trong các nhà hàng cao cấp, phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó khoai tây Trung Quốc đậm hơn.
“Đến thời điểm này, hai quốc gia đã thống nhất xong, tất cả các doanh nghiệp đều được phép nhập khẩu nếu họ có nhu cầu nhập khẩu”- ông Trung cho biết.
Còn ông Alexandre Bouchot thì chia sẻ rằng, qua nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam cho thấy nhu cầu tiêu thụ khoai tây ở Việt Nam là rất lớn, sản lượng thường xuyên thiếu hụt nhưng lại có không nhiều quốc gia được xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. “Với hơn 400 chủng loại khoai tây, các doanh nghiệp Pháp tự tin sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”- ông Alexandre Bouchot cho biết đây là một phần quan trọng của chiến lược thúc đẩy tiêu thụ nông sản chất lượng cao tại Việt Nam./. Cận cảnh bim bim khoai tây đắt lè lưỡi, giá 250.000 đồng... một miếng