Nhật Bản, Canada và New Zealand khẳng định lợi ích CPTPP mang lại
VOV.VN - Ngày 16/5, đại diện 3 nước đã lên tiếng khẳng định những lợi ích mà hiệp định này mang lại trong bối cảnh hoạt động bảo hộ thương mại gia tăng.
Nhật Bản, Canada và New Zealand – 3 trong số 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hôm qua (16/5) đã lên tiếng khẳng định những lợi ích mà hiệp định này mang lại trong bối cảnh hoạt động bảo hộ thương mại gia tăng.
Phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Santiago, Chile, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - David Parker và thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản -Kiyoto Tsuji nhấn mạnh: “Hoạt động bảo hộ thương mại đang trỗi dậy trên thế giới. Chúng ta phải đối mặt với các rào cản thuế quan và phi thuế quan nhiều hơn theo từng tháng. Có những nguy cơ to lớn đối với các quy định đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ảnh minh họa/Reuters. |
Thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, các quốc gia thành viên đã cố gắng viết ra những chính sách bảo hiểm cho riêng mình và cập nhật quy định cho các vấn đề hiện đại, vốn không được thực hiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới".
“Ban đầu chúng tôi cũng có những thời khắc khó khăn sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với những đề xướng mạnh mẽ ở Chile, chúng tôi đã hoàn tất việc ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chỉ trong vòng 1 năm qua và chúng tôi rất tự hào về điều đó”.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Sau khi chính thức có hiệu lực, hiệp định này đã gỡ bỏ rào cản thương mại giữa 11 nước tham gia kí kết.
Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã triển khai mạnh mẽ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” với việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ngày nay, và áp đặt thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, năm trước, Tổng thống Mỹ đã nói rằng, ông sẽ cân nhắc tham gia lại hiệp định này nếu các điều khoản hiệp định mang lại nhiều ưu đãi cho nước Mỹ./.