Nhiều chỉ số kinh tế Đăk Lăk giảm mạnh do Covid-19
VOV.VN - Nhiều chỉ số kinh tế của Đăk Lăk bị giảm mạnh do dịch Covid-19, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đây là vấn đề đáng chú ý được bàn thảo tại kỳ họp thường kỳ tháng 4 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hôm nay (6/5).
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, so cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của tỉnh giảm 7%, đạt 160 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu giảm hơn 63%, ước đạt hơn 12 triệu USD. Doanh thu từ các hoạt động thương mại, dịch vụ càng giảm mạnh, đặc biệt là ngành du lịch, doanh thu tháng 4 giảm 94% so với tháng 3. Tỷ lệ lao động thất nghiệp cao.
Cùng với những thiệt hại do tác động từ dịch Covid-19, trong tháng 4, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở Đăk Lăk tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn, tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu phi còn chậm.
Về tình trạng khô hạn, ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 22.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 11.570 ha cây trồng bị hạn.
Về những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn, ông Mai Trọng Dũng cho biết, các địa phương đã chủ động chia sẻ nguồn nước ở các giếng ví dụ như ở một số thôn buôn người ta có nhiều giếng cạn những có một số giếng vẫn còn thì người ta chia sẻ và đặc biệt là ở Ea Súp đã tổ chức khoan một số giếng nước để lấy nước ngầm cho bà con.
"Năm nay chủ động ngay từ đầu vụ, các địa phương thực hiện phương châm bốn tại chỗ. Những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì họ chuyển đổi, và những vùng tận dụng được nguồn nước là họ tận dụng họ tưới trước để trong những kho nước trữ được thì tưới sau. Rồi nâng ngực tràn, tưới tiết kiệm thì cơ bản đang nằm trong tầm kiểm soát”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm;
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
“Tiếp tục triển khai theo Chỉ đạo của Chính phủ và của Ban chỉ đạo về phòng, chống Covid-19, không được lơ là, chủ quan. Thứ hai là tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp, cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Hiện nay trên cơ sở kịch bản tăng trưởng của Sở kế hoạch Đầu tư tham mưu cho Ủy ban tỉnh thì các ngành chủ động rà soát về tăng trưởng của ngành mình để đưa ra các giải pháp, biện pháp, chủ trương để thực hiện”, ông Nghị nhấn mạnh./.