Nhiều cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, năng lượng...

Để triển khai những thỏa thuận đã đạt được trong Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ tháng 10/2011, sáng 7/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội khai mạc Hội thảo Đầu tư và Giao thương India Calling 2011. Hơn 40 doanh nghiệp Ấn Độ tham gia trao đổi, giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu trong Hội thảo Đầu tư và Giao thương India Calling 2011

Mở rộng lĩnh vực hợp tác

Các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã bàn thảo nhiều về các lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng đô thị, vật liệu xây dựng, năng lượng, may mặc….

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là “điểm nóng” trong đầu tư công của Việt Nam. Trong đó, thiếu vốn luôn là vấn đề nổi bật. Với các dự án như đường cao tốc, điện nguyên tử, công nghệ phần mềm, năng lượng sạch,… cần mức đầu tư kinh phí khổng lồ. Trong khi thực tiễn năng lực kinh tế của Việt Nam không cho phép.

Do đó, bên cạnh huy động nội lực, Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, khi xúc tiến dự án, cả cơ quan nhà nước và dư luận đều gặp nhiều vướng mắc, trong đó vướng nhất là cách huy động nguồn vốn và giám sát hiệu quả thực hiện dự án.

Trong tình trạng này, một trong những giải pháp cho sự thiếu vốn mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng là gọi vốn tư nhân tham gia vào mô hình hợp tác phát triển “công – tư” (Public Private Partnerships – mô hình PPP) trong đầu tư.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành công khi áp dụng mô hình PPP. Đại diện công ty AZB& Partner, một công ty đi đầu trong lĩnh vực đầu tư theo mô hình PPP của Ấn Độ, bà Vineetha chia sẻ kinh nghiệm: Mời gọi được tư nhân tham gia vào các dự án vì lợi ích cộng đồng như trung tâm y tế, đường sắt, đường cao tốc, khu vui chơi… sẽ rất hiệu quả. Bởi vì, cho dù năng lực kinh tế của quốc gia có thể cho phép thực hiện các loại dự án này, nhưng Chính phủ không nên trực tiếp đứng ra làm toàn bộ. Chính phủ chỉ tạo cơ chế, chính sách, chủ trương, duyệt phương án và giám sát thực hiện. Còn lại, quá trình triển khai, đầu tư vốn… kêu gọi các công ty (không thuộc nhà nước) đứng ra làm. Tất nhiên, tùy phạm vi của dự án để có mức độ quản lý nguồn vốn từ phía tư nhân sẽ khác nhau.

Bà Vineetha gợi ý thêm rằng, mô hình PPP không nên chỉ dừng lại ở đầu tư về hạ tầng. Trong xu thế phát triển, công tác xã hội hóa trong đầu tư công cần được phát huy. Việc ứng dụng linh hoạt mô hình này không chỉ cho phép nhà nước giảm được gánh nặng ngân sách đầu tư, mà còn giúp các doanh nghiệp được tham gia vào một xu thế tất yếu là phát triển gắn với hoạt động vì lợi ích cộng đồng.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang đưa ra mô hình PPP áp dụng thí điểm trong một số dự án về đường cao tốc, nông nghiệp,… Tuy nhiên, chưa có một hành lang pháp lý đủ rộng để điều chỉnh vấn đề này.

Với tư cách đối tác nước ngoài mong muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam, phía Ấn Độ mong muốn Việt Nam có một hệ thống luật pháp, quy tắc, chính sách, cấu trúc và cách thức tiến hành các dự án lớn một cách hoàn chỉnh hơn, thủ tục đơn giản hơn để tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Và, các doanh nghiệp Ấn Độ sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác.

Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam là đối tác đặc biệt quan trọng của Ấn Độ trong khu vực ASEAN. So với tiềm năng, hợp tác thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn. Do vậy, cả chính phủ và các doanh nghiệp hai nước cần năng động, tích cực hơn nữa để đạt được những kết quả cao hơn. Đặc biệt, hai bên cần mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn; thực hiện nhiều hoạt động để giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam đến thị trường Ấn Độ và đưa sản phẩm của Ấn Độ đến thị trường Việt Nam”.

Các đối tác Ấn Độ cho rằng, để thực hiện có hiệu quả các dự án lớn, trong đó có các dự án về hạ tầng, Chính phủ cần xem xét, phê chuẩn những dự án được đề xuất dựa vào tính khả thi của dự án. Đồng thời, phải giám sát, quản lý tốt quỹ tài chính dành cho hạ tầng. Cần xác định đúng dự án nào được gọi vốn từ thị trường tài chính trong nước, nước ngoài hay những dự án nào được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, ODA...

Trong mục tiêu, xu thế phát triển hợp tác Việt - Ấn ngày càng rộng hơn, tích cực hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: Ấn Độ hiện đang là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư hai chiều, khuyến khích các tập đoàn Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, trước hết là các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao (phần mềm, sinh học, quốc phòng,..), năng lượng (năng lượng mới, năng lượng tái tạo...), công nghiệp ô tô, thép...”.

Những tiền đề tích cực…

Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều hạn chế so với tiềm năng nhưng kết quả giao thương Việt - Ấn thời gian qua rất khả quan, tiêu biểu như: Thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng từ 100 triệu USD năm 1991 lên gần 3 tỷ USD trong năm 2010.

Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây, hai bên nhất trí tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hướng tới mục tiêu đạt 7 tỷ USD giá trị thương mại song phương vào năm 2015.

Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae tin tưởng rằng, con số 7 tỷ USD sẽ dễ dàng đạt được, bởi lẽ Hiệp định Thương mại tự do về hàng hóa Ấn Độ - ASEAN đã được triển khai. Việt Nam và Ấn Độ cũng đã ký nhiều hiệp định quan trọng như tránh đánh thuế hai lần, bảo hộ đầu tư…

Bên cạnh đó, những tiền đề hiện hữu trước mắt như, riêng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ 9 tháng năm 2011 có bước tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạch hai chiều đạt 2.695 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 1.029 tỷ USD, tăng 61,3% và nhập khẩu đạt 1,666 tỷ USD, tăng 34,7%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Ấn Độ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể như: Điện thoại, sắt thép, máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu mới cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao, như: các sản phẩm từ sắt thép, hàng thuỷ sản, sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống có xu thế tăng chậm hoặc giảm, như chè, sản phẩm từ cao su, than đá,...

Với các mặt hàng xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam đã phần nào khắc phục được tình trạng xuất khẩu nông sản và khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang Ấn Độ trước đây.

Còn với các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước như nguyên liệu thức ăn gia súc, ngô, máy móc, thiết bị, phụ tùng,... tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu từ Ấn Độ. Một số mặt hàng mới nhưng có tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu cao, như ô tô nguyên chiếc, sữa, hàng nguyên liệu thuỷ sản. Các mặt hàng có kim ngạch giảm là sản phẩm từ giấy, kim loại thường, nguyên phụ liệu thuốc lá.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng nhập siêu từ thị trường Ấn Độ đã chậm lại, ở mức 637 triệu USD, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có kim ngạch lớn sang thị trường Ấn Độ cần được đẩy  mạnh trong thời gian tới để giảm mức thâm hụt thương mại với thị trường này.

Ước tính đến hết năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt khoảng 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt khoảng 1,65 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 2,35 tỷ USD.

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Ranjit Rae, hai nước hiện là đối tác quan trọng của nhau. Việt Nam cũng là một nước trụ cột trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.

Ông Lê Văn Sơn, Đại diện công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO), đơn vị có nhiều năm hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ, cho rằng: Bên cạnh các diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai bên, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần phía Ấn Độ có cơ quan trung gian thương mại tại Việt Nam để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật thương mại giữa hai bên, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin về doanh nghiệp, các sản phẩm để thuận lợi hơn trong hợp tác và đầu tư, vì hiện nay các doanh nghiệp vẫn chủ yếu tự tìm đến nhau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên