Nhiều điểm sáng cho xuất khẩu trong trạng thái “bình thường mới”

VOV.VN - Bằng sự nỗ lực của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng có nhiều khởi sắc trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong 4 tháng qua, dưới tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu khoảng trên 3 tỷ USD. Trong trạng thái “bình thường mới” khi dịch bệnh đã dần được khống chế, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh trở lại trong nửa cuối năm, đây tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, yếu tố hỗ trợ xuất khẩu điển hình được kể đến là hiện nay là tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… Do đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa được dự báo sẽ dần tăng trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020, cũng được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới.

Nhiều lĩnh vực, ngành hàng đang tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu sau dịch, trước mắt ngành Công Thương tập trung tháo gỡ những vướng mắc tại khu vực biên giới, đặc biệt là khu vực biên giới với Trung Quốc bởi hoạt động thông quan xuất khẩu hàng hóa tại khu vực này thời gian qua vẫn còn rất chậm.

Cùng với đó, ngành Công Thương cũng tích cực chuẩn bị cho việc hồi phục của các thị trường bằng việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động giao thương trực tuyến. Đặc biệt, với các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia sắp có hiệu lực như EVFTA, Việt Nam - Cuba… là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tận dụng tốt nhất các cơ hội từ các FTA thế hệ mới này mang lại.

“Bộ Công Thương sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng để rà soát lại các kiến nghị để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vừa qua, có thể nhìn nhận ra được khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là một yếu tố rất quan trọng để vực dậy và phục hồi. Trong khi nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp đang rất lớn, nếu như không được triển khai sớm sẽ gây thiệt hại cũng như suy yếu khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, dẫn đến thời gian phục hồi sau đại dịch sẽ bị kéo dài hơn. Chính vì thế, Bộ Công Thương cần nhanh chóng năm bắt và báo cáo với Chính phủ để giải quyết rốt ráo, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường cũng như đối tác xuất khẩu”, ông Hải nói.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho…

Trong trạng thái “bình thường mới”, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội này kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế.

Nhằm tăng cường hoạt động giao thương, tìm kiếm đối tác xuất khẩu, thời gian qua, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tiến hành nhiều hoạt động tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, phát triển xuất khẩu bền vững thông qua kênh hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC-WTO).

Những hoạt động này nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Cục cũng đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch như xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động... trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu giáp biên giới là việc làm cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời điểm nửa cuối năm 2020 sẽ là một điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là cho thương mại. Trong đó, thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN… sẽ là những thị trường trọng điểm, cần có những khung khổ tổng thể để thực hiện phát triển nửa cuối năm 2020.

Do đó, Bộ Công Thương đang xây dựng các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Bộ Công Thương sẽ chủ động triển khai các Đề án này với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tập trung 4 nội dung chính, gồm mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước và các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại các thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ./.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).

Về cán cân xuất nhập khẩu, tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tuy nhiên tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,17 tỷ USD; khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 7,13 tỷ USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên