Nhiều doanh nghiệp chết, thưởng Tết vẫn tăng 20%
Con số doanh nghiệp thưởng Tết năm nay tăng 20% khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn về sự làm đẹp con số khi vẫn có nhiều DN chết.
Con số 420 doanh nghiệp tại 4 tỉnh, TP là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết là mặt sau của bức tranh về thưởng Tết năm nay tăng 20% so với năm 2013 mà Bộ Lao động, Thương binh và xã hội vừa công bố.
Theo đó, tổng hợp từ báo cáo từ 63 tỉnh thành, thành phố gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, mức thưởng Tết âm lịch cao nhất năm nay đạt 709 triệu đồng và thưởng Tết dương lịch cao nhất đạt gần 470 triệu đồng, tập trung tại các doanh nghiệp FDI ở TP.HCM.
Hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết âm lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân bằng khoảng một tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân năm 2013).
Ông Tống Văn Lai, Vụ phó Vụ tiền lương của Bộ giải thích tiền thưởng tăng 20% chủ yếu do lương của người lao động tăng.
Tuy nhiên, hiện cũng có tới 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động tại 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết.
Ngoài số lượng lớn lao động không được thưởng Tết còn có tình trạng doanh nghiệp nợ lương của người lao động. 22 tỉnh, TP báo cáo có 79 doanh nghiệp đang nợ 75,6 tỉ đồng tiền lương của 10.168 lao động. Các địa phương cũng báo cáo số doanh nghiệp này gần như không có khả năng thanh toán tiền lương. Một số doanh nghiệp nợ lương đã tạm dừng sản xuất, một số phá sản.
Dư luận cho rằng, đây mới là thực tế phản ánh tình hình doanh nghiệp trong năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 thì số doanh nghiệp ‘chết’ – giải thể, ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: tình thế kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề.
Phân tích về các con số, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cũng nói thẳng là kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn.
Điều này chỉ cần nhìn vào số con số doanh nghiệp chết. “Số doanh nghiệp chết đi không hẳn đã ảnh hưởng ngay trong năm vừa rồi mà nó đã ảnh hưởng từ trước đó rồi thoi thóp cho đến khi chết hẳn.
Trong quá trình đó không đóng góp gì đáng kể. Còn doanh nghiệp mới hình thành thì cũng đang trong giai đoạn khởi động nên cũng chưa thể có đóng góp gì cho nền kinh tế. Do đó xét về tổng thể không chỉ cầu giảm mà nguồn cung cũng giảm hẳn cho nên nền kinh tế sa sút là thực tế”, TS Hồ phân tích.
Theo TS Hồ, nếu phân tích khoa học thì phải nhìn thấy rõ sản phẩm không có (nghĩa là số doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm, sản phẩm cho thị trường chết nhiều), rồi không tiêu thụ được (nguồn cung của thị trường suy giảm).
Song dù gì, ông Lai cũng thừa nhận, báo cáo này là tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành gửi Bộ với cuộc khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động. Song, con số trong báo cáo vẫn chưa phản ánh hết những gì diễn ra trên thực tế./.