Nhiều doanh nghiệp coi gian lận xuất xứ là cơ hội “béo cò”
VOV.VN - Bất chấp tác hại của gian lận xuất xứ và các biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cố tình qua mặt cơ quan chức năng.
Với xu hướng bảo hộ mậu dịch và áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới đang có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.
Nguy hiểm là lợi dụng điều này, hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế cao đang có xu hướng tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Chính điều này đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nhiều doanh nghiệp không từ thủ đoạn nào
Thiệt hại có thể nhìn thấy ngay trước mắt đó là thời gian gần đây, đã có nhiều quốc gia nhập khẩu của Việt Nam đang gia tăng các biện pháp điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam. Động thái này gây ra những thiệt hại rất lớn cho các nhà sản xuất trong nước, kìm hãm kim ngạch xuất khẩu nói chung và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Lớn hơn cả đó là sự mất uy tín của doanh nghiệp cũng như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là công việc "không xuể" của cơ quan chức năng. Ảnh minh họa: KT |
Ngay trong tuần này, mặt hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu đến 456%, khi các doanh nghiệp thép Việt Nam chưa thể chứng minh được nguồn gốc sản phẩm. Trước đó, còn nhiều vụ việc khác liên quan đến kiện phòng vệ thương mại mà sản phẩm của Việt Nam đã vấp phải và chịu nhiều thiệt hại.
Theo như minh chứng của bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực tế hiện nay đang có rất nhiều dạng gian lận xuất xứ, từ đơn giản như doanh nghiệp làm giả Giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, đến viện cắt dán con dấu giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa trót lọt.
Bà Hiền nêu ví dụ, ngay như sản phẩm tỏi của tỉnh Hải Dương khi xuất khẩu nhưng vẫn bị nghi ngờ sản phẩm đó không được trồng ở địa phương này, bởi người sản xuất không hề ghi rõ xuất xứ của sản phẩm, khiến các nhà nhập khẩu hoàn toàn có quyền nghi ngờ sản phẩm đó đã được sản xuất ở một nơi khác. “Việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam thực sự chưa mang tính thuyết phục các đối tác nhập khẩu”, bà Hiền nêu rõ.
Trường hợp khác theo bà Hiền là có doanh nghiệp dù chỉ nhập khẩu ghi là nguyên liệu, nhưng khi xuất khẩu chính sản phẩm đó lại được ghi là thành phẩm sản xuất tại Việt Nam mà không hề có bất kỳ sự gia công, chế tác nào.
“Sản phẩm khăn lụa xuất khẩu mang thương hiệu Việt và ghi rõ sản xuất tại Việt Nam, nhưng thực tế doanh nghiệp đó đã nhập nguyên cả chiếc khăn, chỉ thao tác thêm thêm đường may viền xung quanh. Kiểu làm ăn chộp giật này không bao giờ qua mắt được khách hàng nước ngoài và họ không thể chấp nhận cách kinh doanh mang tính cơ hội chụp giật đó”, bà Hiền bức xúc.
Hoặc như một doanh nghiệp ở Tây Ninh khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chỉ là hạt nhựa và sản phẩm cao su tổng hợp, khi về đến Việt Nam, doanh nghiệp có gia công thêm một số công đoạn nhỏ nhưng khi xuất khẩu sản phẩm đó “đàng hoàng” có tên gọi là thảm cỏ nhân tạo và sản xuất tại Việt Nam.
“Cách làm ăn gian dối này khiến người tiêu dùng trong nước không thể chấp nhận được chứ chưa nói đến người tiêu dùng nước ngoài tại các thị trường khó tính”, bà Hiền chỉ rõ.
Lợi ích nhất thời cho những doanh nghiệp bất chính
Đánh giá thực trạng các hành vi gian lận thương mại tại Việt Nam thời gian qua, ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính.
Tuy nhiên hành vi này đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.
“Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng”, ông Chung cho biết.
Ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nêu các tác hại và giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa. |
Chính vì thế theo ông Chung, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu.
Đặc biệt, trong thời gian tới, khi các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các quốc gia có thể tiếp tục tăng lên, các doanh nghiệp trong nước cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ này để có sự chuẩn bị, tránh bị ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương mà cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu. Từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm hiểu biết, thông tin về các cam kết về phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp này đối với các hoạt động xuất khẩu Việt Nam.
“Thông qua những hội nghị này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận về các tác động, thách thức và những vấn đề đặt ra của các biện pháp phòng vệ thương mại và chống gian lận xuất xứ, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định về xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại, từ đó có hành động phù hợp dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế trong các hoạt động xuất khẩu”, ông Chung cho biết./.
Kiện phòng vệ thương mại hàng xuất khẩu Việt Nam tháng nào cũng có