Nhiều người được nhận tiền “khủng” nhưng không thể thu được thuế
VOV.VN -Việc quản lý thu thuế nhà thầu với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là các thu nhập phát sinh từ google, Facebook.
Khó khăn trong việc xác định bản chất giao dịch để đánh thuế
Thời gian qua, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong nước nhận được tiền 'khủng' từ các tổ chức nước ngoài nhưng phần lớn không được kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ. Các nguồn thu ở đây đến từ các hoạt động như viết phần mềm, trò chơi, hoặc các video clip... rất đa dạng.
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân); các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế, Luật Quản lý thuế, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống hay theo phương thức thương mại điện tử |
Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận, dù ngành Thuế có nhiều hoạt động đẩy mạnh hiệu quả quản lý thuế với thương mại điện tử, song vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể: việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do một số hoạt động thương mại điện tử chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh.
Cùng với đó, hóa đơn giấy vẫn là chứng từ được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại điện tử. Hóa đơn gắn với quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT), tuy nhiên hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong công tác quản lý kê khai.
“Khó khăn lớn nữa là trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…”, ông Lưu Đức Huy cho biết.
Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp và cá nhân này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân có phát sinh thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 1 số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế.
“Ngoài ra, việc quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội cũng rất khó khăn”, ông Huy nói.
Cần sửa đổi chính sách và cách quản lý
Để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã đề xuất nhiều giải pháp như: sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát sinh tại Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử…
“Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực cùng với các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để có các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động xuyên biên giới, quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, cũng như bổ sung vào hiệp định tránh đánh thuế 2 lần cho phép khấu trừ tại nguồn...”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây, sẽ bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử; bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Theo các chuyên gia, quản lý thuế đối với kinh tế số và thương mại điện tử trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế số và các “người khổng lồ” Internet bùng nổ là một thách thức với Việt Nam. Do đó, cơ quan Thuế phải làm thế nào để các doanh nghiệp có thể thuận lợi trong việc tuân thu các chính sách vì nếu chính sách tốt mà việc tuân thủ khó khăn thì sẽ trở thành rào cản cho nền kinh tế số.
“Giải pháp cho ngành Thuế là thành lập trung tâm dữ liệu, các sàn giao dịch đều phải điều chuyển thanh toán qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng như cơ quan Thuế có thể truy cập và sử dụng thông tin cho công tác quản lý của mình”, ông Phạm Đạt, Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon) đề nghị.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ nắm bắt thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp số, từ đó có quy định, hướng dẫn cụ thể các nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động phát triển tốt, kê khai nộp thuế một cách thuận tiện nhanh chóng nhưng vẫn không bị thất thu thuế./.
Việt Nam đang “nhập siêu” nội dung số nhưng thất thu thuế!
Quản lý thuế thương mại điện tử: Lỗ hổng chính sách còn rất lớn