Nhiều nhà cung cấp thương mại điện tử đưa thông tin sai lệch

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử thường đưa ra các thông tin sai lệch nhằm thu hút khách hàng và loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Tại hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức sáng 19/2, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị, đã đến lúc cần thiết kế Luật Cạnh tranh một cách linh hoạt để có thể ứng phó, xử lý được các vấn đề cạnh tranh trong thương mại điện tử…

Thực tế trong thời gian qua, để giảm áp lực cạnh tranh, một số doanh nghiệp đã thực hiện những hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời, tạo ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và thương mại điện tử.

Ông Tiêu Quang Khánh, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong lĩnh vực kinh tế thương mại điện tử, nhiều nhà cung ứng đã đưa ra các thông tin sai lệch nhằm thu hút khách hàng.

“Đây là hình thức tương đối phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong trường hợp nếu người tiêu dùng hoặc khách hàng phát hiện những hành vi gian dối này, hoàn toàn có thể thông báo cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) để điều tra, xử lý”, ông Khánh cho biết.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chỉ rõ, trong thời gian gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Tuy nhiên, đi liền với đó, các vấn đề quan ngại về cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn. 

Tốc độ phát triển và tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam trung bình 25% mỗi năm. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã phát sinh một số vấn đề tiêu cực, đặt ra nhiều thách thức khi có rất nhiều hình thái cạnh tranh không lành mạnh phát triển trên môi trường mạng, khác xa so với các hình thức cạnh tranh truyền thống trước đây.

“Chính vì thế, Luật Cạnh tranh 2018 ra đời đã từng bước góp phần làm lành mạnh hóa lĩnh vực này khi đưa ra được những quy định phù hợp với sự phát triển lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Anh Tuấn chỉ rõ.

Theo quan điểm của bà Phạm Quế Anh, chuyên gia tư vấn độc lập, mô hình kinh doanh mới trong thương mại điện tử hiện nay giữa người bán và người mua chính là nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian kết nối. Bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối không trực tiếp sản xuất sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ, nhưng họ kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bà Quế Anh cũng thừa nhận, những vấn đề cạnh tranh trong thương mại điện tử về cơ bản vẫn giống như những vấn đề cạnh tranh trong hàng hóa bình thường, song nó có những đặc điểm mới nên các cơ quan quản lý cần lưu ý, xem xét một cách cẩn trọng để áp dụng Luật Cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. 

Cụ thể theo bà Quế Anh, việc xác định sức mạnh thị trường và vị trí thống lĩnh thị trường trong thương mại điện tử là điểm mới mà cơ quan cạnh tranh cần lưu ý. Theo đó, cần xác định thị trường liên quan với các thị trường nhiều bên; vai trò của dữ liệu trong xác định vị trí thống lĩnh thị trường; vấn đề hiệu ứng mạng lưới.

“Những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong thương mại điện tử như hành vi bán kèm, cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo gói; hành vi bán dưới giá thành toàn bộ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh; hành vi định giá phân biệt với các đối tượng khách hàng, người tiêu dùng khác nhau; dùng các chương trình khuyến mại đối với khách hàng trung thành để hạn chế cạnh tranh, duy trì vị trí thống lĩnh là hoàn toàn mới, các cơ quan quản lý cần hết sức lưu ý”, bà Quế Anh cho biết. 

Ngoài ra, theo bà Quế Anh, cơ quan quản lý cũng cần quan tâm tới vấn đề tập trung kinh tế trong thương mại điện tử, đây là vấn đề phức tạp và cũng là thách thức lớn nhất với cơ quan quản lý cạnh tranh trước những vụ tập trung kinh tế không phải tạo ra vị trí hay doanh nghiệp thống lĩnh trong thị trường hiện tại mà có thể thị trường thống lĩnh đó chưa xuất hiện ngay bây giờ mà nó xuất hiện trong tương lai.

Trong đó, cơ quan cạnh tranh phải đoán định được đường hướng phát triển của đổi mới sáng tạo để biết được trong tương lai liệu có thể có một thị trường mới hay không, vụ tập trung kinh tế hiện tại liệu có tạo ra một DN lớn trong tương lai hay không.

“Luật Cạnh tranh 2018 cũng đặt ra thách thức đối với cơ quan cạnh tranh là làm thế nào để áp dụng Luật một cách linh hoạt nhất. Đồng thời, cơ quan quản lý cần đánh giá được tác động của các hành vi đơn phương, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, xây dựng năng lực cho cán bộ cơ quan cạnh tranh và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm. Hài hòa hóa luật cạnh tranh với khu vực và quốc tế trên cơ sở các thực tiễn tốt nhất”, bà Quế Anh khuyến cáo./.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo Luật cạnh tranh 2004: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; 2. Hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.

Trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo Luật cạnh tranh 2018 đã bổ sung: Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. 2. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Grab mua lại Uber vi phạm 2 quy định của Luật Cạnh tranh
Grab mua lại Uber vi phạm 2 quy định của Luật Cạnh tranh

VOV.VN - Việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm 2 hành vi được quy định tại Điều 20 và Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Grab mua lại Uber vi phạm 2 quy định của Luật Cạnh tranh

Grab mua lại Uber vi phạm 2 quy định của Luật Cạnh tranh

VOV.VN - Việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm 2 hành vi được quy định tại Điều 20 và Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần phù hợp với thông lệ quốc tế
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần phù hợp với thông lệ quốc tế

VOV.VN - Luật cần đáp ứng với những giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần phù hợp với thông lệ quốc tế

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần phù hợp với thông lệ quốc tế

VOV.VN - Luật cần đáp ứng với những giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh?
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh?

VOV.VN - Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có nhiều quy định "mạnh tay" với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý nghiêm cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh...

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh?

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh?

VOV.VN - Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có nhiều quy định "mạnh tay" với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý nghiêm cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh...