Nhiều rào cản phát triển mô hình nông lâm kết hợp ở Đắk Lắk

VOV.VN - Cần phải có chính sách phù hợp, mới phát huy được vai trò chủ động của nông dân, đẩy mạnh nông lâm kết hợp.

Đắk Lắk có lợi thế lớn để phát triển các mô hình nông lâm kết hợp và trên thực tế các mô hình này ở Đắk Lắk đã và đang  mang lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình kinh tế này phần lớn là do hộ dân tự phát, chưa có chính sách khuyến khích phù hợp của nhà nước.

Mô hình nông lâm kết hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (trái) tại thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk.

Năm 2002, ông Nguyễn Văn Kỳ, ở thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, nhận 8,5 ha rừng để quản lý và bảo vệ. Trong phần lõi của diện tích nhận khoán, ông đã làm giàu rừng bằng các loại cây gỗ quý như sao đen, sưa. Trên vành đai rừng, ông trồng xen cà phê, cây ăn quả, cau… Với mô hình này, chỉ riêng từ cây trồng xen ven rừng, đã đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông ổn định kinh tế.

"Khi tận dụng đất rừng này thì từ khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn trồng cà phê có thu hoạch, trồng cây ăn trái hàng năm có thu hoạch thêm. Tổng kết hàng năm có bao nhiêu lo cho con ăn học, nhờ trên mảnh đất này  mới có nuôi con ăn học được", ông Kỳ cho hay.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, làm nông nghiệp bền vững bằng cách tăng cường đa dạng sinh học trên vườn cây công nghiệp như trồng cây che bóng, cây đai rừng, xen cây ăn quả... được người dân trong tỉnh phát triển rất đa dạng dưới hình thức mô hình cảnh quan nông lâm kết hợp (gồm: rừng tự nhiên, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, ruộng, ao…); nông lâm kết hợp vườn cây công nghiệp (gồm: cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây thân thảo…) mang lại hiệu quả cao.

Nhiều nông hộ đã liên kết với các công ty lâm nghiệp nhận trồng rừng, bảo vệ rừng và đã áp dụng mô hình nông lâm kết hợp, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt về môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình này còn mang tính chất rời rạc, chưa có một cơ quan hoặc đơn vị quản lý nào tổng hợp thành cơ sở dữ liệu về nông lâm kết hợp một cách đầy đủ, có hệ thống. Đặc biệt là chưa có cơ chế chính sách cụ thể nào cho vấn đề này.

"Đắk Lắk đã làm thí điểm một số nơi nhưng vấn đề này cần được tổng hợp, định hướng. Đặc biệt, cần trở thành những văn bản pháp quy của nhà nước để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện, có hành lang pháp lý như vậy thì mới có cơ sở nhân rộng trong thời gian đến để người dân mới có cơ hội nhận khoán nhưng vẫn tổ chức sản xuất vẫn có thu nhập từ rừng để giải quyết đời sống và góp phần bảo vệ rừng tốt hơn", ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.

Cùng với đó, sự tách bạch giữa lâm nghiệp và nông nghiệp thành 2 mảng đã làm cho nông lâm kết hợp rơi vào khoảng trống về chính sách cho lĩnh vực này. Đây cũng chính là những rào cản khiến mô hình nông lâm kết hợp không phát huy được tiềm năng vốn có.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một thực tế là trong tất cả các chủ trương, chính sách chiến lược về phát triển nông nghiệp đều có định hướng phát triển theo hướng chuyên canh, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến. Trong khi đó, chính sách về lâm nghiệp lại có xu hướng bảo vệ rừng và hạn chế tiếp cận các nguồn lực từ rừng. Vì vậy đã tạo ra những khoảng trống về chính sách đối với nông lâm kết hợp.

"Bên cạnh khoảng trống chưa có chính sách cho nông lâm kết hợp thì hiện nay những chính sách có liên quan đến nông lâm kết hợp thì hạn chế. Ví dụ như chính sách hỗ trợ tiêu chí trang trại thì hiện nay thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp mới qui định về tiêu chí cho trang trại lâm nghiệp và trang trại nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), nhưng đối với trang trại cả nông lâm kết hợp thì chưa có tiêu chí riêng cụ thể cho nó. Chính vì chưa có tiêu chí riêng nên chính sách hỗ trợ cho nông lâm kết hợp hiện nay triển khai vừa khó vừa không có lại vừa hạn chế", ông Định nêu rõ.

Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy, để giúp nâng cao hiệu quả việc áp dụng mô hình nông lâm kết hợp và phát triển trên diện rộng, cần phải xây dựng chính sách phù hợp, nhất là về tín dụng. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến lâm về xây dựng mô hình, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện toàn bộ chuỗi giá trị nông lâm kết hợp từ việc cung cấp giống cây cho người dân đến chế biến sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu nông lâm kết hợp cả nước, phù hợp với từng vùng…

Theo TS. Võ Hùng, Trưởng bộ môn Lâm sinh, Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên, phải có chính sách phù hợp, mới phát huy được vai trò chủ động của nông dân, đẩy mạnh nông lâm kết hợp.

TS. Hùng cho rằng, vai trò của người nông dân rất quan trọng bởi họ là những người năng động, có trách nhiệm và họ luôn có suy nghĩa làm thế nào để cải tiến cây trồng vật nuôi để mang lại lợi ích kinh tế cao nhất trên chính 1 đơn vị diện tích.

"Vấn đề còn lại là thị trường đầu ra, giá bán như thế nào cơ chế chính sách sử dụng đất và đặc biệt là tiếp cận vốn vay ưu đãi đó là những cái mà cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhà nước để thực hiện chức năng này", TS. Hùng nói.

Nông nghiệp và lâm nghiệp ở Tây Nguyên, nhiều năm nay phát triển trong thế đối lập, nông nghiệp lấn át lâm nghiệp, dẫn đến chất lượng môi trường suy giảm nghiêm trọng. Nông lâm kết hợp, chấm dứt đối lập của 2 ngành này đang trở thành rất cấp bách, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp ổn định dân di cư tự do và sử dụng đất của các nông lâm trường quốc doanh, cuối năm 2018.

Theo Thủ tướng, nếu làm tốt nông lâm kết hợp, chỉ trong 10 năm, Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, sẽ hoàn thành 90% mục tiêu về độ che phủ rừng. Thế nhưng, để đạt được điều ấy, Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện chính sách, khích lệ được doanh nghiệp và người dân cùng tham gia, nhất là những cộng đồng sống gần rừng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thanh tra toàn diện các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp ở Gia Lai
Thanh tra toàn diện các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp ở Gia Lai

VOV.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ra Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra toàn diện tại 10 đơn vị là Ban quản lý rừng và Công ty lâm nghiệp.

Thanh tra toàn diện các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp ở Gia Lai

Thanh tra toàn diện các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp ở Gia Lai

VOV.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ra Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra toàn diện tại 10 đơn vị là Ban quản lý rừng và Công ty lâm nghiệp.

Ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu 10,5 tỉ USD năm 2019
Ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu 10,5 tỉ USD năm 2019

VOV.VN - Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ USD trong năm 2019.

Ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu 10,5 tỉ USD năm 2019

Ngành lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu 10,5 tỉ USD năm 2019

VOV.VN - Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ USD trong năm 2019.

Năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp
Năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

Năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp

Năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, năm 2018 là năm cao điểm sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.