Nhiều sai phạm quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng
VOV.VN - Kiểm toán nhà nước vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP Hải Phòng.
Theo báo cáo kiểm toán, trong giai đoạn 2020 - 2022, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và TP Hải Phòng đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Riêng tỉnh Hải Dương chưa thành lập Quỹ, giao Sở NN&PTNT thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định.
Từ khi thành lập Quỹ đến 31/3/2023, các địa phương thuộc diện kiểm toán đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470 ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên là 170 ha, còn lại là rừng trồng) sang mục đích khác. Diện tích rừng đã trồng thay thế là 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng). Trong đó, Quảng Ninh còn diện tích rừng trồng thay thế phải hoàn thành lớn nhất, hơn 2.065 ha.
Báo cáo kiểm toán cho thấy, tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế. Công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của UBND cấp tỉnh tại 4 địa phương được kiểm toán chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên; việc chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ.
Những bất cập chính sách cũng được chỉ ra qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, về quy định hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng. Tỉnh Quảng Ninh khi xây dựng Đề án triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, đã phát sinh trường hợp cần xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng, nhưng Bộ NN&PTNT chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng để làm cơ sở cho việc thực hiện.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục bất cập tập trung vào các nhóm nội dung: Công tác quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương; Kiến nghị xử lý theo đúng qui định của pháp luật các cá nhân, tập thể trong việc ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chưa có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo đúng qui định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan, trong việc tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền trồng rừng thay thế, chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên diện tích đất có rừng.