Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
VOV.VN - Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hướng đến trở thành đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.
“Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển”.
Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tổ chức chiều 29/10.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuỗi Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), kết hợp Lễ Khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội trong 5 ngày, từ 28/10 - 1/11.
Đánh giá Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cho rằng, Việt Nam ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu. Với nhiều nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển cùng sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Marvell… sẽ góp phần thúc đẩy, đưa Việt Nam đạt được mục tiêu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
“Việt Nam đã có những quyết sách vô cùng đúng đắn và quan trọng khi tạo lập cơ chế, chính sách ưu tiên, mang tính quyết định cho ngành công nghiệp bán dẫn. Bằng việc tạo thuận lợi thực hiện các thủ tục để hỗ trợ hoạt động đầu tư cho ngành bán dẫn, Việt Nam đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện tại các trường Đại học tại Việt Nam đang có kế hoạch thực hiện đào tạo 50.000 kỹ sư chuyên ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030”, ông John Neuffer hài lòng.
Xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này tại Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất 3 trụ cột chính nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài là đào tạo Đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm Kỹ sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ giỏi với sự hợp tác giữa Nhà nước, DN và các trường Đại học. Trụ cột thứ hai là đào tạo kỹ thuật viên và trụ cột thứ ba là thu hút nhân tài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, để hiện thực hóa các hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn, NIC đang xây dựng hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. NIC cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần.
Khẳng định Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là cơ hội hiếm có để các đối tác cụ thể hoá hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, tập trung vào 5 yếu tố chính.
Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các DN lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan... Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
“Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã diễn ra. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.