Nhiều triển vọng sau Hội nghị kết nối Thanh Hoá - Nhật Bản 2023
VOV.VN - Điểm nhấn của Hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản 2023 là tiền đề quan trọng để các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung, tiếp tục tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào Thanh Hoá với những cơ chế chính sách đặc biệt.
Chiều 7/5, kết thúc ngày thứ 3 diễn ra chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tại Thanh Hoá. Điểm nhấn của Hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản 2023 là tiền đề quan trọng để các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung, tiếp tục tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào Thanh Hoá với những cơ chế chính sách đặc biệt. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá về nội dung này:
PV: Thưa ông, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Đã có rất nhiều khách mời cũng như các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tham dự các hoạt động này và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa. Ông đánh giá thế nào về thành công từ các hoạt động vừa diễn ra?
Ông Nguyễn Văn Thi: Thực hiện Đề án của Bộ Ngoại giao, Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, cơ quan hữu quan và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản”. Đây là một sự kiện rất quan trọng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ, đặc biệt là hợp tác hữu nghị 50 năm Việt Nam - Nhật Bản, Nhật Bản - Việt Nam.
Chúng tôi thấy đây là kết quả ngoài mong đợi, thứ nhất là kết hợp 1 trong 2 nhiệm vụ là tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản; Thứ 2 là được đón đoàn Hạ nghị sĩ khá đông đảo, nhiều thành phần kinh tế, nhiều quan chức, nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã đến dự hội nghị.
Chúng tôi luôn xác định mục tiêu thu hút đầu tư FDI là quan trọng, đặc biệt chú trọng để thu hút đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như thu hút người dân Nhật Bản đến Thanh Hóa, để tham quan du lịch. Đồng thời hợp tác sản xuất kinh doanh và đưa hàng hóa Thanh Hóa đi các tỉnh của Nhật Bản.
Chúng tôi đã thành lập bàn đàm pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như người dân Nhật Bản với Thanh Hóa chúng tôi. Bàn đàm phán hỗ trợ cho người dân Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhật Bản, để trao đổi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và các hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa với nhu cầu Thanh Hóa đang cần thu hút đầu tư.
PV: Được biết, Nhật Bản đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Thanh Hoá. Qua hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản vừa diễn ra, ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác, đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, doanh nghiệp FDI vào Thanh Hoá nói chung?
Ông Nguyễn Văn Thi: Hiện nay, Thanh Hóa có gần 200 doanh nghiệp FDI đã đầu tư và đang tiếp tục đầu tư ở Thanh Hóa, trong đó có 17 doanh nghiệp của Nhật Bản với số vốn đăng ký đầu tư cũng khá lớn, gần 13 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ tại tỉnh đã mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế xã hội. Hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất ra thì đều được tiêu thụ lớn trong nước và đặc biệt xuất khẩu đi nước ngoài và đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các nguồn lực cho quốc gia và tỉnh Thanh Hóa.
Hiện có nhiều doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất kinh doanh. Ví dụ như Tập đoàn Sakurai đang mở rộng sản xuất với một nhà máy mới với số vốn đăng ký khoảng 190 triệu USD và với số lượng công nhân, nhân viên làm việc tại công ty khoảng 20.000 người.
Một số doanh nghiệp khác như: Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang sản xuất ổn định. Công ty nhiệt điện Nghi Sơn 2 và Công ty Xi măng Nghi Sơn cũng đang có hướng các đối tác để có thể là mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực khác mà chỉ bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chúng tôi đang sẵn sàng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ đầu tư nói chung và trong đó Nhật Bản để làm sao đó các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa.
PV: Nguồn nhân lực là một lợi thế của Thanh Hoá, có vai trò quan trọng trong quan hệ, hợp tác 2 chiều Thanh Hoá - Nhật Bản, Nhật Bản – Thanh Hoá. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Văn Thi: Chúng tôi rất chú trọng đến đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cũng như xuất khẩu đi nước ngoài. Đây là một cơ hội để người dân Thanh Hóa có được cơ hội, nếu được đi sang Nhật Bản sẽ được học tập thêm kinh nghiệm làm việc, cũng như là cách sống và các giải pháp trong làm việc, khi hết thời hạn có thể quay về tỉnh để đóng góp cho nền công nghiệp của tỉnh, cũng như các lĩnh vực khác của tỉnh.
Đồng thời tập trung, nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, khả năng và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Thanh Hóa xuất khẩu đi nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.