Nhiều trở ngại trong thương mại, đầu tư Việt Nam – Mỹ Latinh

Đó là tình trạng “đói” thông tin về nhau, nhiều rào cản kỹ thuật thương mại, xu hướng tái bảo hộ mậu dịch, xiết chặt tiêu chí xuất xứ hàng hóa…

Những kết quả khiêm tốn…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Đặng Huy Đông, tính đến hết tháng 6/2012, với những ưu thế và tiềm năng của mình, Việt Nam đã thu hút được 13.893 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với hơn 204 tỷ USD vốn đăng ký, từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là 4 đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với hơn 8.000 dự án và gần 100 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, vốn giải ngân đạt 84,5 tỷ USD.

Dầu khí là ngành có thể mạnh của Việt Nam khi hợp tác đầu tư với khu vực Mỹ Latinh

Hơn nữa, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cùng với doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước là 3 trụ cột quan trọng góp phần đưa Việt Nam vươn lên thành nước đang phát triển đạt trình độ trung bình với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 7% trong suốt gần 20 năm qua.

Trong thành quả nêu trên, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận như tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại tăng gần 30% năm, đạt khoảng 5 tỷ USD vào năm 2011.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư, tính đến hết quý II/2012, mới chỉ có 12/33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh có hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng với 29 dự án và tổng vốn  đầu tư đăng ký đạt khoảng 213 triệu USD.

Đơn cử, ông Nathan Wolf Lustbader, Vụ trưởng Vụ Hợp tác và Xúc tiến Kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết: “Việt Nam và Mexico có tiềm năng rất lớn về hợp tác thương mại trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và da giầy. Song, hiện tại, Việt Nam chưa có khoản đầu tư nào của Mexico”.

Còn ông Mori Arllanno Matias, Phó Chủ tịch Ủy ban Đầu tư nước ngoài Chile cũng cho biết: 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Chile là đồng và các loại quặng khác; thực phẩm chế biến;  hoa quả tươi; xen-luy-lô; cá hồi và cá thu; lâm sản và rượu vang…. Nhưng 3 thị trường chủ yếu của Chile là Trung Quốc, EU, Mỹ.

Ngay với đất nước Cuba anh em, về đầu tư của Việt Nam tại Cuba vẫn mới chỉ nổi lên có lĩnh vực thăm dò tìm kiếm dầu khí và sản xuất nông nghiệp, lương thực. Còn lại, theo Ngài Antonio Caricarrte, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba cho biết, đầu tư vào du lịch, xây dựng khách sạn, bất động sản đi kèm sân golf, khai khoáng, năng lượng tái tạo… vẫn đang trong các giai đoạn đàm phán khác nhau.

Trong khi các nước như Belize, Barbados, Panama, Costa Rica, Saint Vicent, Dominica có nhiều hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 84% số dự án và 94% tổng vốn đăng ký đầu tư, thì Brazil, Mexico, Argentina- những nền kinh tế lớn trong khu vực… lại đứng ở vị trí khiêm tốn với chỉ 3 dự án với tổng vốn đầu tư chưa đến 3 triệu USD.

Tương tự đó, Việt Nam cũng chỉ có 8 dự án đầu tư sang 4 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2,4 tỷ USD chiếm 1,2% số dự án và 21,6% số vốn đầu tư ra nước ngoài lũy kế. Trong đó, riêng dự án liên doanh khai thác dầu khí tại Venezuela đã chiếm 76% số vốn đăng ký.

Hai bên phải cùng tháo gỡ nhiều trở ngại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá: Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ Latinh còn khiêm tốn. Mặc dù Việt Nam vẫn là nước nhận đầu tư nước ngoài là chính, song cũng đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án thăm dò và khai thác dầu khí Venezuela và Peru, sản xuất bóng đèn tại Venezuela, phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, sản xuất mỳ ăn liền tại Brazil.

Đầu tư của Mỹ Latinh vào Việt Nam hiện mới có một dự án của Argentina đang trong giai đoạn khảo sát xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị điện gió, và sản xuất điện gió.

Điện gió là một trong số ít dự án từ các nước Mỹ Latinh đầu tư vào Việt Nam

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận với một số nước trong Khu vực này như: Hiệp định thương mại tự do với Chile (11/11/2011); đang trong quá trình đàm phán một số hiệp định quan trọng khác, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Chile, Peru, Mexico là thành viên.

Việt Nam cũng đã thành lập Ủy ban Liên Chính phủ hoặc Ủy ban hỗn hợp với một số nước Mỹ Latinh như Cuba, Argentina, Brazil, Chile, Venezuela. Việt Nam còn mong muốn nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 12 tỷ USD vào năm 2015 và 25-26 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam cũng rất mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư vào công nghiệp với Mỹ Latinh, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, viễn thông và nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, buôn bán giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ Latinh còn nhiều trở ngại như khoảng cách địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại dài và chi phí cao, sự khác biệt về ngôn ngữ, còn ít thông tin về đất nước, con người, môi trường và cơ hội kinh doanh, và văn hóa của Mỹ Latinh được phát hành bằng tiếng Việt và ngược lại.

Ngoài ra, những trở ngại khác cũng cần phải kể đến là xu hướng bảo hộ mậu dịch đang xuất hiện trở lại; thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; hệ thống rào cản kỹ thuật; thay đổi cách tính thuế nhập khẩu dẫn đến mức thuế phải nộp tăng cao; quy định thêm thủ tục hành chính; kéo dài thời gian cấp phép nhập khẩu; yêu cầu chứng nhận lãnh sự; xiết chặt tiêu chí xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở  một số nước.

Để vượt qua những khó khăn, trở ngại, thực hiện được những mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hai bên cần nghiên cứu và triển khai một số biện pháp theo hướng:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường chính sách và thể chế ở mỗi bên theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và rào cản thương mại không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển và mở rộng quan hệ buôn bán và hợp tác đầu tư với nhau; nghiên cứu và triển khai đàm phán thêm các hiệp định ưu đãi thương mại; phát huy vai trò các Ủy ban liên Chính phủ và Ủy ban Hỗn hợp nhằm xác định cơ hội, xây dựng chương trình, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Thứ hai, tăng cường cung cấp thông tin và quảng bá về môi trường và cơ hội kinh doanh, và du lịch tại Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân Mỹ Latinh, nhất là bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và ngược lại bằng tiếng Việt. Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có thể hợp tác xuất bản và tăng thời lượng giới thiệu về nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của mình. Khuyến khích và hỗ trợ trao đổi các đoàn thương mại, tổ chức các hội nghị hội thảo về kinh doanh, giới thiệu và hỗ trợ thiết lập quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai bên.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt môi trường và cơ hội kinh doanh của nhau, xác định và tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác và các mặt hàng có thể trao đổi, tận dụng triệt để những ưu đãi thương mại đã được ký kết, kịp thời phản ánh những khó khăn trở ngại để các Chính phủ tìm cách tháo gỡ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên