Nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt: Bộ Công Thương nói gì?
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ.
Liên quan đến 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt, phóng viên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 đặt câu hỏi: Nếu trong trường hợp xác định lô nhôm này vi phạm nguyên tắc xuất xứ, rất có thể vì một doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm, chúng ta phải chịu áp thuế chống bán phá giá. Nếu trong trường hợp tiêu thụ trong nước, chúng ta tính thuế như thế nào khi số nhôm này sẽ ảnh hưởng toàn ngành nhôm trong nước?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng giải đáp: "Vấn đề xử lý như thế nào chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau".
1,8 triệu tấn nhôm nghi gian lận xuất xứ vẫn đang tồn tại cảng. |
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Công Thương công khai tính chi phí giá điện và kế hoạch chính xác thời gian công bố, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu rõ: Thực hiện Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, hằng năm, Bộ Công Thương vẫn tổ chức, phối hợp các bộ ngành, Bộ Tài chính, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để thành lập các tổ công tác và kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh tại EVN và các đơn vị thành viên.
"Năm 2019 chúng tôi tiếp tục thực hiện và dự kiến công khai trong tháng 11/2019. Về thanh tra, kiểm tra giá điện, Thanh tra Chính phủ sẽ có ý kiến", ông Hưng nói.
Thông tin thêm về vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: "Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong vấn đề này. Nếu quản lý không tốt, chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn, trong khi quy định của chúng ta là giá trị gia tăng 30%. Nếu để bị lợi dụng, lấy thương hiệu Việt xuất khẩu sang các nước chúng ta kết hợp, sau này nếu có sự áp thuế lên mặt hàng đó của chúng ta, sẽ rất nguy hiểm.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với những nước liên quan đến FTA, cấp C/O còn lại giao cho VCCI. Trong thời kỳ ban đầu, khi có chiến tranh thương mại, chúng ta đáp ứng cho các doanh nghiệp về thủ tục để xuất khẩu, nhưng đến bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cách quản lý trong cấp C/O. Nếu chúng ta cấp dễ dãi, không có đánh giá kiểm tra, chỉ có kê khai và cấp C/O, thì chính chúng ta sẽ phải chịu hậu quả rất lớn, đó chính là ép thuế".
Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Hải quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan cửa khẩu, yêu cầu khi kiểm tra, phải có xem xét, đánh giá. Tránh việc trước đây một dự án đầu tư có nhiều triệu đô, nhưng hiện nay chỉ 2-3 triệu đô, chỉ bằng nhà xưởng, chỉ mang hàng hóa đến và dán mác, đóng gói. Một doanh nghiệp đầu tư 1-2 triệu đô thì chưa phải là đầu tư. Có thể thấy đây là núp bóng đầu tư và lợi dụng để làm nhà xưởng, chuyển giao, đóng gói…/. Vụ nhôm Trung Quốc: Đóng đủ thuế sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam