Nhộn nhạo vận tải hành khách – thanh tra vào cuộc
Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, kiểm tra việc quản lý, hoạt động, chất lượng đào tạo, nâng cao ý thức lái xe sẽ làm hạn chế tiêu cực cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô trong những năm qua phát triển mạnh, về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, có thể thấy rõ một số vấn đề cần phải lưu ý đối với hoạt động vận tải này. Ví dụ như tình trạng xe bắt khách dọc đường, xe không vào bến đón trả khách, xe chở quá số người quy định… Đặc biệt trong thời gian qua, xe khách còn gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người, tài sản của hành khách đi xe, của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Đứng trước thực trạng trên, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Quyết định số 1294/QĐ-BGTVT, mở cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh và hoạt động của bến xe ô tô trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Nghệ An và Cần Thơ.
Phóng viên VOV online có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT, Trưởng đoàn thanh tra để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết mục đích chính cuộc thanh kiểm tra lần này của Bộ GTVT?
Ông Thạch Như Sỹ: Thanh tra Bộ GTVT tổ chức cuộc thanh tra, kiểm tra lần này theo đúng tinh thần Quyết định số 1294/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT phê duyệt. Đồng thời, cuộc thanh tra này cũng nằm trong kế hoạch thanh tra thường xuyên hàng năm do Bộ GTVT đề ra.
Qua công tác thanh tra lần này, đoàn xác định mục đích để tìm hiểu công tác quản lý, hoạt động của toàn bộ mạng lưới doanh nghiệp cũng như việc quản lý của Sở GTVT, cùng hoạt động của các bến xe, thấy được ưu điểm để tiếp tục phát huy. Nếu có hạn chế thì yêu cầu đơn vị khắc phục. Qua đó để tìm xem trong cơ chế, thể chế có vấn đề thiếu sót thì đề nghị, kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Từ đó nâng cao công tác quản lý và hoạt động vận tải liên tỉnh, hoạt động ở các bến xe, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
PV: Có thể thấy, đây là lần đầu tiên đoàn thanh tra của Bộ GTVT tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận tải xe khách. Vậy đợt này, đoàn sẽ hướng trọng tâm thanh tra vào nhóm đối tượng nào?
Ông Thạch Như Sỹ: Đây là đoàn kiểm tra đầu tiên của Bộ sẽ kiểm tra tại 5 tỉnh, thành phố về công tác quản lý cũng như hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý bến bãi. Theo tinh thần này, đoàn sẽ tập trung thanh tra 3 nhóm đối tượng chính:
Nhóm đầu tiên là nhóm quản lý, đó là các Sở GTVT. Đối với Sở GTVT, đoàn sẽ tập trung chủ yếu vào các nội dung như việc mở tuyến, công bố mở tuyến, quản lý cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách cố định cho các doanh nghiệp, cấp sổ nhật trình chạy xe, cấp phù hiệu tuyến cho các xe chạy theo tuyến cố định và quản lý văn bản đó cũng như công tác chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành hoạt động chung của các doanh nghiệp này trong vận tải hành khách liên tỉnh.
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT, Trưởng đoàn thanh tra. |
Đối tượng tiếp theo đoàn hướng đến kiểm tra, thanh tra các hoạt động của công ty khai thác trên bến; xem xét lại việc ký hợp đồng của các doanh nghiệp khai thác bến với doanh nghiệp vận chuyển hành khách liên tỉnh, xem có đúng các điều kiện của nghị định 91 hay không. Sau đó là việc quản lý hoạt động, các phương tiện ra vào bến; giám sát hoạt động các xe trước khi xuất bến, theo dõi sổ sách hoạt động các xe ra vào bến. Các hoạt động, dịch vụ, kinh doanh, phục vụ hành khách trong bến hoạt động như thế nào. Cuối cùng là nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp này đối với nhà nước.
Đối tượng cuối cùng cần thanh tra là các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh trên tuyến cố định của 5 tỉnh, thành phố. Nội dung thanh tra đối với các doanh nghiệp đi vào mấy vấn đề trọng tâm: Trọng tâm thứ nhất là kiểm tra chất lượng phương tiện. Trong chất lượng phương tiện thì có một số nội dung như quy định về niêm yết giá, thông báo giá, sơn xe, số điện thoại, chất lượng phương tiện và giám sát hành trình (bắt đầu có hiệu lực từ 1/7).
Thứ hai là việc tuyển lái xe và người phục vụ trên xe. Đoàn sẽ chú ý vào bằng cấp của lái xe có đủ tiêu chuẩn được quy định với xe vận tải hành khách liên tỉnh hay không. Với phụ xe hoạt động trên các xe và xe chạy đường dài, có đủ 2 tài xế hoạt động trên các tuyến vận tải đường dài hay không. Nói cụ thể, đoàn sẽ kiểm tra các lái xe có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định 91, thông tư 14 để điều hành xe đấy không.
Đợt thanh tra sẽ được tiến hành trong thời gian từ tháng 6 – 10/2012. |
Tất cả các hoạt động của doanh nghiệp như Ban theo dõi an toàn giao thông, xử lý vi phạm, các điểm đỗ của phương tiện có đầy đủ điều kiện hay không. Nói cách khác, đoàn kiểm tra các điều kiện của doanh nghiệp này theo 7 điều kiện của Nghị định 91 và các thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT về vấn đề này.
PV: Trước đây, Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra taxi có hiệu quả và đem lại hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội. Nhưng đó là thanh tra bất ngờ tại các doanh nghiệp cũng như đơn vị tỉnh thành. Trong đợt thanh tra này, Bộ đã công bố sẽ thanh tra vào những ngày nào, ở đơn vị nào. Liệu điều này có khách quan và đem lại hiệu quả tốt nhất hay không?
Ông Thạch Như Sỹ: Về nguyên tắc thanh tra chúng tôi chia ra làm 2 loại: thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch. Việc thanh tra đột xuất sẽ được tiến hành khi thấy có vấn đề cần thiết. Ví dụ như thanh tra taxi vì có nhiều dấu hiệu bất ổn, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra.
Thanh tra theo kế hoạch theo quy trình sẽ được đoàn thanh tra thông báo trước cho các tỉnh. Ngay từ tháng 2/2012, cơ quan thanh tra Bộ còn làm văn bản chỉ đạo thanh tra tất cả các tỉnh, đồng loạt thanh tra các doanh nghiệp và hoạt động của bến. Lần này chúng tôi chọn xác suất 1 số tỉnh và đánh giá một cách khách quan nhất trong công tác quản lý và điều hành.
PV: Vậy thưa ông, tại sao trong đợt thanh kiểm tra này, thanh tra Bộ lại chọn 5 tỉnh, thành phố mà không phải là nhiều hơn? Và 5 tỉnh thành được chọn thanh tra này dựa trên tiêu chí nào?
Ông Thạch Như Sỹ: Chúng tôi cho rằng, mỗi tỉnh, thành trong cả nước đều có một đặc thù. Nếu như chống ùn tắc giao thông và làm về ATGT thì không thể thiếu Hà Nội và TP HCM. Chính phủ còn có các Nghị quyết riêng về chống ùn tắc giao thông ở 2 tỉnh này.
Còn tại một số tỉnh khác có lưu lượng xe hoạt động tương đối nhiều nhưng lại có đặc thù từng vùng như ở Cần Thơ có đặc thù Tây Nam Bộ, Nghệ An có đặc thù miền Trung, Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng. Sau 5 tỉnh này, vào các năm khác, chúng tôi sẽ chọn tỉnh khác. Việc chọn lựa này là ngẫu nhiên tuy nhiên vẫn có ý đồ nhất định.
PV: Trong thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở khu vực miền Trung Tây Nguyên là xe khách chất lượng cao. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này và việc thanh tra có là tác dụng hạn chế tai nạn hay không?
Ông Thạch Như Sỹ: Tôi cho rằng, hiện nay đã có một số tai nạn tập trung vào xe khách. Để tìm ra nguyên nhân cũng như các biện pháp khắc phục tình trạng này, cuộc thanh tra tới đây sẽ xem xét về phía nhà quản lý và phía lái xe.
Chúng tôi cũng nhận thấy, trong đa số các vụ tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng, nguyên nhân phần nhiều là do ý thức chủ quan của người lái xe. Một phần nữa là do chất lượng các phương tiện.
Chính vì thế, đoàn thanh tra phải vào tận doanh nghiệp để kiểm tra cái gốc, kiểm tra chất lượng của người lái xe như thế nào; quá trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của người lái xe ra sao, từ đó mới có căn cứ để đánh giá cụ thể.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.