Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi trên quê hương Long Đức
VOV.VN - Trong kháng chiến người dân xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh - tỉnh Trà Vinh chiến đấu kiên cường, với kỳ tích xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ - Công trình trái tim của Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh. Còn trong thời bình, họ lại gương mẫu trong phát kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Trong đó, cựu chiến binh Lê Văn Gắng và Lưu Bá Hùng là tấm gương điển hình.
Dù có vóc người nhỏ nhắn, nhưng ông Lê Văn Gắng rất hoạt bát, từng là Xã đội phó và là chiến sĩ bắn tỉa thiện xạ gây bao nỗi khiếp sợ cho quân thù. Sau ngày giải phóng, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên ông xin thôi công tác ở xã, để tập trung phát triển kinh tế gia đình và phụng dưỡng cha già mang vết thương trên người trong chiến tranh.
Ông Lê Văn Gắng cho biết, sau năm 1975 khi trở về với cuộc sống đời thường ông được cha mẹ để lại gần 20 công đất bỏ hoang, mọc đầy lau sậy và cỏ lác. Để cải tạo thành ruộng lúa, ông dùng số tiền tích góp được và vay thêm họ hàng mua được cặp trâu để vừa cày ruộng nhà, vừa cày thuê hàng xóm kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy kinh tế gia đình vẫn khó khăn, vì lúc đó xã Long Đức chưa hệ thống thủy lợi, chưa có giao thông, cánh đồng bị nước mặn xâm nhập và trong năm chỉ trồng được vụ lúa duy nhất, năng suất rất thấp.
Bằng ý chí, nghị lực của người lính và khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Gắng quyết tâm cải tạo ruộng nhà thành vườn dừa, kháp rượu kết hợp với chăn nuôi heo tạo thu nhập. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi áp dụng vào thực tế. Thời gian đầu tuy có khó khăn, thậm chí có lúc không còn tiền vốn, nhưng ông Gắng vẫn không nản lòng mà từ bỏ.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thực hành tiết kiệm, vượt khó vươn lên kinh tế gia đình ông dần ổn định và có vốn tích lũy. Sau khi chia một số ruộng cho các con ra riêng, hiện nay ông Gắng còn sở hữu 14 công dừa xen bưởi da xanh. Mô hình dừa xen bưởi này là nguồn thu nhập chính cho gia đình từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình ông có thu được hàng chục triệu đồng từ việc kháp rượu và chăn nuôi heo, gà.
“Khi chiến tranh qua rồi, tôi mới mua được con trâu đi cày mướn. Ví dụ cày vụ này đến khi ra Giêng mới trả, thì 1 công lấy 1,5 giạ lúa. Còn trả liền thì 1 công 1 giạ, một năm cũng được khoảng 200 giạ lúa. Bây giờ thì thu nhập từ dừa là chính, nếu được giá 50.000 đồng/chục thì một tháng cũng được hơn chục triệu đồng” - ông Gắng chia sẻ.
Còn cựu chiến binh Lưu Bá Hùng – người cùng xã với ông Gắng, cũng là người tham gia cách mạng vào thời điểm trước năm 1975. Sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, ông lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Đến năm 1984, sau khi giải ngũ, ông Hùng mới trở về nước công tác ở địa phương và chăm lo cuộc sống cùng gia đình.
Gia đình ông Lưu Bá Hùng có nhiều người hy sinh trong chiến tranh nên khi hòa bình lập lại gia đình ông chỉ có vỏn vẹn 2 công đất rẫy. Với diện tích đất này, ông Hùng lên liếp trồng dừa, nuôi gà, vịt và để cho vợ ông chăm sóc. Còn ông đi làm thuê làm mướn đủ nghề và thuê thêm đất canh tác để có thêm thu nhập. Năm 2017, ông được Hội Cựu chiến binh xã Long Đức hỗ trợ một con bò sinh sản, với tính chịu khó, chăm sóc chu đáo đến nay đàn bò đã phát triển được 9 con.
Nhờ chịu khó, biết tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có và ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống nên kinh tế gia đình cựu chiến binh Lưu Bá Hùng không ngừng cải thiện. Năm ngoái, gia đình ông xây dựng được căn nhà trị giá trên 300 triệu đồng và được đánh giá là hộ phát triển kinh tế bền vững của xã.
Ông Lưu Bá Hùng chia sẻ: “Để Hội cựu chiến binh bớt đi gánh nặng, tôi cố gắng phát triển gia đình, cố gắng lao động, làm vườn rồi mướn đất trồng thêm lúa tăng thu nhập. Đến thời điểm này kinh tế gia đình cũng ổn rồi. Bây giờ tôi thấy quê hương mình cũng thay đổi rất nhiều, hiện nay cũng đã lên nông thôn mới kiểu mẫu. Đứng ở góc độ hội viên cựu chiến binh, tôi thấy phấn khởi, vinh hạnh”.
Ông Bùi Công Chinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Đức cho biết, đến nay trong xã không còn hộ cựu chiến binh nghèo, tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu được nâng lên theo từng năm, mức sống của gia đình hội viên cao hơn mức sống trung bình của người dân trong xã. Nổi bật là hộ cựu chiến binh Lê Văn Gắng và Lưu Bá Hùng, từ một hộ khó khăn, có nhiều người hy sinh trong kháng chiến nhưng với ý chí, nghị lực của bản thân và sự trợ giúp của tổ chức hội đã vươn lên thành hộ khá, hộ phát triển kinh tế bền vững.
“Đồng chí Lê Văn Gắng trước đây là chiến sĩ đi đầu phong trào bảo vệ Đền thờ Bác, cũng có thành tích trong chiến đấu, diệt địch và hiện nay là hội viên mẫu, nhiều năm liền được trên khen thưởng là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Gia đình đồng chí Lưu Bá Hùng ngày xưa là một hộ cận nghèo, hiện giờ kinh tế của gia đình đồng chí được xem là phát triển bền vững; gương mẫu trong phong trào hội viên làm kinh tế giỏi” - ông Chinh nói.
Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời bình những cựu chiến binh quê hương Đền thờ Bác – Long Đức luôn nỗ lực, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển, vững bước đi lên. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà các ông, các chú còn là hạt nhân trong trong trao xây dựng quê hương, thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần đưa Long Đức thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu sớm nhất Trà Vinh.