Những cựu chiến binh Quảng Ninh làm giàu từ phương châm “3 giúp”
VOV.VN - Các cựu chiến binh đã xây dựng nên những doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực có doanh thu từ vài tỷ tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.
Từ quân ngũ trở về đời thường, các cựu chiến binh vẫn luôn là đồng đội, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo - làm giàu, tiếp tục đóng góp cho xã hội. Nhiều năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tại Quảng Ninh đã phát huy ý nghĩa tích cực, tạo nên những mô hình hiệu quả cao, đây chính là thành tích đáng ngợi ca nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6/12.
Năm 1979, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dẫn rời quân ngũ về quê tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Với vết thương và di chứng chất độc da cam, cuộc sống của ông bề bộn những khó khăn. Không cam lòng, ông và các cựu chiến binh quê nhà bàn bạc vay vốn, góp công góp sức xây dựng công ty Thương binh 2/9.
“Chúng tôi biết hoàn cảnh của nhau nên tập hợp bạn bè, nhất là đồng đội cùng mở công ty ra làm ngành nghề gì đó có thu nhập nuôi gia đình. Ban đầu chúng tôi làm dịch vụ san lấp mặt bằng, rồi mở xưởng đóng than… Đến năm 2010, chúng tôi chuyển làm nước uống đóng bình đóng chai, vừa phục vụ cho người dân vừa làm ăn có lãi. Hiện tại, công ty có 30 người là thương binh công việc ổn định, đời sống được cải thiện”, ông Dẫn tự hào chia sẻ.
Qua Hội Cựu chiến binh các cấp, những người lính cựu tìm đến nhau, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm đã qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tại Quảng Ninh ngày càng lớn mạnh với các mô hình đa dạng hơn.
Từ phương châm “3 giúp” (giúp giống, vốn - giúp công - giúp kỹ thuật) cho tới góp vốn xoay vòng, cho hội viên vay lãi suất thấp hoặc không tính lãi tổng cộng gần 20 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, đã có 671 hội viên cựu chiến binh thoát nghèo, hơn 8.000 cựu chiến binh được giải quyết việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn chưa đầy 0,1%.
Năm 2012, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh được thành lập, đến nay đã có 252 hội viên, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, doanh thu từ vài tỷ tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Qua kết nối, các cựu chiến binh – doanh nhân nắm bắt được điều kiện, tâm tư nguyện vọng của đồng đội mình, từ đó đưa ra giải pháp để trợ giúp phù hợp với khả năng, sở trường của từng người.
Ông Nguyễn Bá Trượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh cho biết, với ngành nghề sản xuất hàng may mặc, đơn vị của ông đã liên kết, tư vấn nguồn hàng, tiêu thụ sản phẩm cho cả chục nhà máy của các cựu chiến binh khác; với ngành nghề trồng và chế biến lâm sản, đơn vị ưu tiên tạo việc làm cho cựu chiến binh và con em của họ, phát triển từ những bước nhỏ nhất.
“Bản thân mình đã là lính, khi trở về hoạt động ở lĩnh vực khác vẫn luôn quan tâm đến những đồng chí, đồng đội có điều kiện khó khăn để hỗ trợ, học hỏi nhau từng thế mạnh của từng người trong từng lĩnh vực. Rất nhiều anh em đồng đội từ những mô hình nhỏ, mảnh đất nhỏ, được đầu tư chút vốn ban đầu giờ đã có những mảnh vườn đẹp, trang trại lớn, có xe ô tô để vận tải hàng hoá. Từ những đồng vốn nhỏ mình hỗ trợ cho vay không tính lãi, họ đã trở thành ông chủ nhỏ, nuôi sống gia đình và phát triển”, ông Trượng chía sẻ.
Chung lưng đấu cật, các mô hình của Hội Cựu chiến binh nói chung và Doanh nhân Cựu chiến binh Quảng Ninh nói riêng đã phát huy mọi tiềm năng, nâng cao năng lực làm kinh tế cho những người lính trở về, qua đó huy động được nhiều nguồn lực vào góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
5 năm qua, đã có hơn 30 tỷ đồng xây mới nhà tình nghĩa, cầu dân sinh, nhà văn hoá, trường học; nâng cấp, cải tạo hàng vạn mét đường liên thôn, liên xã; kéo điện về thắp sáng đường thôn, đưa nước về kênh mương nội đồng; đóng góp Quỹ phòng chống Covid-19...
Ông Bùi Xuân Tờ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hầu hết anh em đồng đội trong Hiệp hội đều lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, làm với khả năng tối đa của mình. “Nhìn lại, tôi thấy chúng tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội, những thương binh, liệt sỹ không trở về quê hương. Tâm nguyện đau đáu của các doanh nhân cựu chiến binh là sẽ làm tốt công tác từ thiện hơn nữa, tham gia nhiều hơn nữa để cùng chăm lo đời sống xã hội”, ông Tờ bày tỏ.
Từ phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, hàng trăm trang trại, gia trại, hợp tác xã, doanh nghiệp do các cựu chiến binh làm chủ, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào an sinh xã hội tại Quảng Ninh. Đây không chỉ là kết quả của một phong trào, đó còn là sự khẳng định về bản lĩnh của những người lính Cụ Hồ, luôn phấn đấu vươn lên và gắn bó đồng hành cùng nhau trên bất cứ mặt trận nào./.