Những tín hiệu mừng từ cây cao su trên đất Điện Biên
VOV.VN - Sau hơn 10 năm hy vọng, nhiều diện tích cây cao su đã cho thu hoạch, có những tín hiệu mừng tại Điện Biên.
Sau hơn 10 năm bén rễ tại các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, cây cao su đã dần phát triển ổn định, kỳ vọng trở thành cây công nghiệp chủ lực, giúp địa phương này nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.
Tại Điện Biên, cây cao su được trồng tập trung tại 6 vùng với tổng diện tích hơn 5.000 ha (chiếm khoảng 43% diện tích cây công nghiệp dài ngày). Từ năm 2017, những diện tích trồng cao su đầu tiên bắt đầu cho khai thác mủ và sản lượng liên tục tăng lên qua các năm.
Đến nay, 41% tổng diện tích cây cao su hiện có đã cho khai thác với tổng sản lượng mủ đạt gần 1.000 tấn/năm. Qua đánh giá quá trình trồng, khai thác cho thấy, cây cao su thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, năng suất mủ cao su tương đối ổn định, chất lượng mủ tốt.
Tại Điện Biên, cây cao su được trồng tập trung tại 6 vùng với tổng diện tích hơn 5.000 ha. |
Đối với người dân, cây cao su đã từng bước tạo được công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, những người góp đất trồng cao su cũng đã bắt đầu được hưởng lợi nhuận từ khai thác mủ.
Là địa phương đi đầu trong phong trào trồng, chăm sóc và phát triển cây cao su, đến nay xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đã có trên 530 ha cây cao su, trong đó có khoảng 380 ha đã cho khai thác mủ ổn định.
Anh Lò Văn Chựa, Trưởng bản Tin Tốc cho biết, năm 2008, theo chủ trương góp đất trồng cây cao su của tỉnh, 70 hộ dân của bản đã góp gần 100 ha đất nông nghiệp để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng cao su. Sau hơn 8 năm đưa vào trồng, những diện tích cao su của bản và xã, cũng là những diện tích cao su đầu tiên của tỉnh Điện Biên cho thu hoạch.
Đến nay những diện tích cao su tại Tin Tốc vẫn đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng và chất lượng mủ ổn định. Từ khi góp đất, tham gia trồng cao su đến nay, đời sống người dân trong bản đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 100% năm 2008 xuống chỉ còn 61% ở thời điểm hiện tại.
Còn chị Phạm Thị Phương, ở bản Huổi Chan 1 cho biết, từ khi đi làm công nhân cao su, đã có thu nhập ổn định hơn so với làm nông nghiệp: "Thời gian chúng tôi đi làm cao su chỉ mất tầm 2 - 3 tiếng. Còn ngoài ra vẫn có thời gian để làm việc nhà, chăn nuôi lợn gà thêm nữa. Khoản thu nhập bình quân của tôi làm công nhân ở đây nói chung bình quân là từ 4 - 5 triệu/một tháng. Nhìn chung là từ khi vào làm công nhân cao su, cuộc sống ổn định hơn".
Còn tại huyện Tuần Giáo, dự án trồng và phát triển cây cao su đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Đến nay, diện tích trồng cao su toàn huyện đạt gần 1.440 ha, với sự tham gia của trên 1.340 hộ góp đất. Vườn cây đưa vào khai thác không chỉ giúp lao động địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, mà người dân góp đất trồng cao su cũng được chi trả giá trị sản phẩm mủ cao su khi vườn cây đưa vào khai thác.
Anh Lò Văn Hoan, ở bản Nà Sáy 1, xã Nà Sáy chia sẻ: "Trồng cây cao su thì mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với nương lúa, ngô. Cụ thể bây giờ khai thác mủ thì thời gian đi làm từ 5 giờ đến 8 giờ, lương được 4 - 4,5 triệu đồng/tháng".
Qua đánh giá quá trình trồng, khai thác cho thấy, cây cao su thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, năng suất mủ cao su tương đối ổn định, chất lượng mủ tốt. |
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Nông trường Cao su Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, để thu hút thêm nhiều hộ gia đình góp đất trồng cây cao su, đơn vị đang phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy cho người dân, tạo tiền đề cho việc ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất, mang lại niềm tin cho người dân trong vùng dự án.
"Đối với các hộ dân góp đất, hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo đã làm các thủ tục để cấp sổ đỏ cho các gia đình, đến nay còn khoảng 200 hộ đang tiếp tục rà soát để làm số đỏ để chi trả 10% tiền sản phẩm. Đây cũng là một trong những ngành nghề tạo công ăn việc là ổn định cho người dân tại địa phương" - ông Nguyễn Văn Huy cho biết.
Hiện Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã ký hợp đồng lao động với hơn 600 công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 150 lao động nhận khoán khai thác mủ cao su, với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thu nhập tiền lương, công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số còn được công ty hỗ trợ trồng xen canh trên đất cao su; hỗ trợ tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho biết: "Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi rất quan tâm tới quyền lợi người lao động, chăm lo cho người lao động, đảm bảo thu nhập cho người lao động gắn bó lâu dài và bền vững với doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của Tập đoàn Cao su Việt Nam giao đó là giải quyết việc làm. Tổ chức khai thác mủ cao su để đảm bảo việc làm, đảm bảo tiền lương, đảm bảo thu nhập, đảm bảo đời sống lâu dài cho công nhân lao động".
Như vậy đến thời điểm này, sau hơn 10 năm hy vọng, nhiều diện tích cây cao su đã cho thu hoạch, có những tín hiệu mừng tại Điện Biên, người lao động, góp đất trồng cao su được quan tâm và đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của mình, nhất là có nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.
Đây cũng chính là thành công bước đầu mà Công ty cổ phần cao su Điện Biên mang lại cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên đến nay, người dân góp đất trồng cao su vẫn chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn vì chưa được chi trả tiền lợi tức từ việc góp đất, hoặc tiền chi trả còn thấp./.
Trồng xen dược liệu hướng đi hiệu quả cho hàng ngàn ha cao su tái canh
Cao su thời mất giá: Nín thở chờ mủ tăng giá