Niềm hứng khởi mang tên “nghĩ lớn, làm lớn”

VOV.VN -Thủ tướng mong các doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện mãnh liệt tinh thần và trí tuệ Việt cháy bỏng khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế

Sự miệt mài của những người nông dân trên cánh đồng; sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, bản lĩnh của những “chú sếu” đầu đàn Vinamilk, Viettel, Vinfast… đang truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều người.

Vinfast đang vẽ lên một vóc dáng không thể xem thường trên thị trường ô tô.

Từ làm giàu trên cánh đồng

Khi cái giá rét đầu đông ùa về cũng là lúc chúng tôi có mặt tại nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Phúc Bách, xã Phù Lưu, Ứng Hòa, Hà Nội. Bách kể, trước đây, kiến thức, thực hành làm nông nghiệp công nghệ cao với anh là con số không tròn trĩnh…

Một lần được nghe cán bộ thôn, xã nói về mô hình nông nghiệp mới, cái máu làm nông nghiệp công nghệ cao trong Bách trỗi dậy. Nghĩ là làm, Bách tìm đến các trang trại để học hỏi về làm nông nghiệp công nghệ cao. Giữa năm 2017, Bách vay mượn tiền của bạn bè để khởi nghiệp với gần 3 nghìn mét vuông rau sạch. Ai ngờ, vườn rau năng suất thấp, lại bị sâu ăn nên Bách thua lỗ.

Không nản chí, Bách làm lại từ đầu. Khắc phục được lỗi khi chăm sóc rau, vụ tiếp theo chỉ trong 40 ngày Bách thu hoạch được 4 - 5 tấn rau, đổ buôn cho đầu mối. Gia đình, người thân, bạn bè ai cũng vui mừng vì sau những ngày vượt khó, giờ Bách đã thành công.

Không vừa lòng với thành quả đạt được, giữa năm 2018, Bách lại khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, loại quả cho thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng rau. Làm ăn lớn cũng đồng nghĩa với việc đầu tư lớn về tiền bạc và công sức. Bách đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để có nhà màng, máy móc, hạt giống…

Vụ đầu tiên Bách thất bại khi dưa lưới bị bệnh, năng suất thấp. Tính cả ngày công chăm sóc, giống, phân bón… Bách thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Khó khăn, trở ngại là vậy song Bách không hề nao núng. Mày mò, học hỏi, rồi được các kỹ sư ở Viện khoa học công nghệ chuyển giao công nghệ cao hướng dẫn kỹ thuật, đến giờ Bách đã làm chủ kỹ thuật chăm sóc dưa lưới.

Nhà màng rộng 3 nghìn mét vuông trồng dưa lưới của Bách cho thu hoạch quanh năm. Khoảng 75 - 85 ngày, Bách thu hoạch 6 - 8 tấn dưa lưới. Toàn bộ số dưa này Bách bán đổ buôn hoặc đưa đến cửa hàng với giá 40 - 45 nghìn đồng/kg.

Ở quê hương vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ai cũng biết tới anh nông dân Trần Văn Hành là người có sáng kiến để quả vải mọc trên thân cây cho mẫu mã, chất lượng cao hơn. Sau nhiều năm nghiên cứu, anh Hành nhận thấy, năng suất, mẫu mã quả vải giảm đi là do mưa, gió làm hoa, quả vải ở đầu hoặc ngọn cành va đập vào nhau. Từ đó anh Hành nghĩ ngược, nếu hoa, quả vải mọc ở thân cây thì sẽ không va đập vào nhau, vì tận dụng được tán cây che mưa, che gió.

Năm 2011, anh Hành áp dụng sáng kiến “bắt” quả vải mọc trên thân cây cho vườn vải rộng hơn 2ha của gia đình. Quả nhiên, năng suất, chất lượng vải thiều tăng lên 20 - 30% so với trước đây. Có được thành công, thu nhập cao hơn trước, anh nông dân Trần Văn Hành chia sẻ sáng kiến của mình cho hơn 2.000 lượt hộ dân trồng vải ở xã Giáp Sơn. Sáng kiến của anh Hành nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện Lục Ngạn.

Biết anh Hành có bí quyết bắt quả vải mọc ở thân cây, nhiều hộ trồng vải ở các tỉnh: Hải Dương, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… không quản ngại đường xa tìm về học hỏi. Với những đóng góp cho cây vải thiều của quê hương, năm 2014, anh Hành vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành kịp thời khích lệ tinh thần cống hiến, sức sáng tạo của các cá nhân và tổ chức; không để có những  sáng kiến, sáng tạo hữu ích mà không biết tới, bị bỏ lại phía sau; kể cả những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của người nông dân mà người ta thường gọi là “anh hai lúa”.

Đến khát khao chinh phục thế giới

Khi những người nông dân đang hào hứng làm giàu trên cánh đồng thì nhiều doanh nghiệp cũng vươn lên cùng xu hướng đất nước hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nhìn lại vài năm gần đây, nhất là từ thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, đẩy mạnh “Quốc gia khởi nghiệp” thì việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đẩy mạnh, người dân, doanh nghiệp hào hứng khởi nghiệp. Có được hình hài, sức vóc mới, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn “nghĩ mới, làm mới”, “nghĩ lớn, làm lớn”, đem chuông đi đánh xứ người.

Không chỉ thống lĩnh thị trường sữa trong nước, Vinamilk có tham vọng lọt Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, đẩy mạnh đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Vinamilk đang sở hữu nhà máy sữa Angkor tại Campuchia, nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driffwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ vào thị trường châu Âu.

Câu chuyện của Viettel cũng cho chúng ta thấy sự vượt khó, đứng vững rồi dẫn đầu thị trường. Ngày đầu mới vào thị trường, khó khăn bủa vây, có ý kiến cho rằng Viettel có nên tiếp tục làm viễn thông? Bị dồn đến chân tường, Viettel buộc phải “nghĩ mới, làm mới”, chủ động về hạ tầng; cán bộ, nhân viên phải miệt mài làm việc, tăng năng suất lao động… Để bảo đảm hạnh phúc gia đình, lãnh đạo Viettel đã chủ động làm công tác tư tưởng tới vợ hoặc chồng cán bộ, nhân viên công ty. Nhờ thế, cán bộ, nhân viên Viettel yên tâm công tác, yên tâm “đi sớm, về muộn” mà không sợ vợ hoặc chồng nghĩ mình có quan hệ ngoài luồng. Đến giờ Viettel dẫn đầu thị phần viễn thông trong nước.

Tại thời điểm vẫn là CEO của Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ: “Ở Việt Nam đã có một số cá nhân, con người đi ra nước ngoài chinh phục thế giới thành công nhưng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần đi ra nước ngoài nhiều hơn nữa”. Thông điệp của ông Hùng cho thấy sự tự tin, bản lĩnh, khát vọng của Viettel chinh phục thị trường quốc tế.

Giờ đây, Viettel đã có mặt tại 3 châu lục, đầu tư vào các quốc gia: Haiti, Peru, Đông Timor, Tanzania, Lào, Campuchia, Myanmar, Cameroon, Mozambique, Burudi...

Khi Vinfast, thuộc Vingroup khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đầy thách thức đã dấy lên mối nghi ngờ trong giới đầu tư. Sự nghi ngại là có cơ sở, bởi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau nhiều năm được ưu đãi nhưng kết quả là hết sức khiêm tốn. Dẫn chứng như thế để cho thấy, làm ô tô là rất khó và đầy rủi ro.

Chỉ đến khi hai mẫu ô tô Lux A2.0 và Lux SA2.0 với “Bản sắc Việt - Thiết kế Ý - kỹ thuật Đức - Tiêu chuẩn quốc tế” được Vinfast ra mắt tại triển lãm ô tô Paris motor show (Pháp), thì những người tỏ ra hoài nghi mới thực sự quan tâm tới việc làm ô tô của doanh nghiệp này. Nhiều hãng ô tô nổi tiếng phải mất 2,5 - 5 năm để làm một dòng xe mới thì Vinfast chỉ mất hai năm để giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, như: Xây dựng nhà xưởng, chiêu mộ nhân lực, mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW, hợp tác với các đối tác danh tiếng Pininfarina, Bosch, Magna, Siemens, hoàn thành hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0… Dù mới chân ướt, chân ráo nhưng với việc đầu tư bài bản Vinfast đang vẽ lên một vóc dáng không thể xem thường trên thị trường ô tô.

Không giấu được sự ngưỡng mộ trước những bước đi “thần tốc” của Vinfast, cây bút Germain Goyer viết trên nhật báo Le Journal de Québec (Canada): “Vinfast là đại diện tiêu biểu của các doanh nghiệp với tư duy “nghĩ lớn, làm lớn”. Hãng xe này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường khắt khe nhất trên toàn thế giới. Không có gì ngạc nhiên nếu những chiếc xe Vinfast được xuất khẩu ra khắp toàn cầu”.

Đâu đó ở trên mảnh đất hình chữ S, chúng tôi biết còn rất nhiều người nông dân, doanh nhân đã và đang ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp một cách táo bạo. Niềm hứng khởi từ “Quốc gia khởi nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, “nghĩ lớn, làm lớn” sẽ là động lực khích lệ người dân khởi nghiệp, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Chúng ta hiểu sâu sắc rằng xây dựng được những thương hiệu mạnh chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Tôi mong các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp nối Vinfast thể hiện mãnh liệt tinh thần và trí tuệ Việt cháy bỏng khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tầm quốc tế để tiếp nối ra đời nhiều niềm tự hào Việt Nam...”.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

“Tôi trông đợi nông nghiệp Việt Nam có những chuỗi mới. Bà Mai Kiều Liên của Vinamilk là một trong những người tôi kính trọng. Bà là người có công đầu trong ngành sữa của Việt Nam, tự tạo chuỗi giá trị vững chắc trong nông nghiệp. 

Tôi ấn tượng với chương trình VinEco đồng hành cùng nông dân Việt Nam. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thu hút hàng nghìn hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia. Lợi ích các bên được nhân lên khi Vingroup hỗ trợ bán nông sản, hàng hóa chất lượng cao trong hệ thống Vinmart rộng lớn”.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup

“Mục tiêu của tôi không có gì thay đổi, về bản chất vẫn là làm đẹp cho đời. Nhà đẹp, các công trình đẹp là vật thể, còn các giá trị về tinh thần, sức khỏe là phi vật thể.

Làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng Vingroup”.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu

“Việc truyền thông quốc tế đánh giá cao những chiếc xe ô tô của Vinfast đã tạo ra một động lực, hứng khởi mới để các doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp. Qua đó cho thấy, về mặt tư tưởng, trí tuệ thì người Việt Nam không thua kém các dân tộc Thái Lan, Singapore, Indonesia…"

"Tôi mong muốn những tư tưởng, sáng tạo của người dân sẽ có mảnh đất để sinh sôi. Mảnh đất đó chính là tinh thần dân chủ trong xã hội; sự thay đổi của các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, luật đầu tư cần thông thoáng hơn..."./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kinh tế Việt Nam 2018: Hé lộ nhiều gam màu sáng đầy hy vọng
Kinh tế Việt Nam 2018: Hé lộ nhiều gam màu sáng đầy hy vọng

VOV.VN - Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 bắt đầu hé lộ những gam màu sáng, đây sẽ là bước đệm cho kinh tế năm 2019.

Kinh tế Việt Nam 2018: Hé lộ nhiều gam màu sáng đầy hy vọng

Kinh tế Việt Nam 2018: Hé lộ nhiều gam màu sáng đầy hy vọng

VOV.VN - Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 bắt đầu hé lộ những gam màu sáng, đây sẽ là bước đệm cho kinh tế năm 2019.

Cần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trong nước
Cần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trong nước

VOV.VN- Kinh tế năm 2019 sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Do đó, cần xác định rõ các nền tảng cho tăng trưởng để kinh tế phát triển thực chất, không bị “xốp”.

Cần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trong nước

Cần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trong nước

VOV.VN- Kinh tế năm 2019 sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Do đó, cần xác định rõ các nền tảng cho tăng trưởng để kinh tế phát triển thực chất, không bị “xốp”.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng

VOV.VN - Kết quả từ các chỉ báo kinh tế 9 tháng qua cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng

VOV.VN - Kết quả từ các chỉ báo kinh tế 9 tháng qua cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020
Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020

VOV.VN - Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm nổi bật, tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục, tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020

VOV.VN - Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm nổi bật, tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục, tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

VOV.VN - Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 9 tháng 2018, ngành nông nghiệp là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

VOV.VN - Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 9 tháng 2018, ngành nông nghiệp là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam.