Nợ công lại đẻ nợ công

Nợ công của Việt Nam chiếm khoảng 52% GDP. Con số này không đáng lo ngại bằng việc phát sinh nợ mới để khắc phục những hậu quả do hiệu quả đầu tư thấp.

Phân tích Hệ số sử dụng vốn (ICOR) cho thấy có sự gia tăng rất mạnh trong các năm gần đây, ICOR năm 2009 đã tăng lên 8,6% so với mức 5 hồi năm 2006.

Nợ công gia tăng mạnh trong các năm gần đây (ảnh V.H)

Phân tích sơ bộ vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin Học & Kinh tế ứng dụng chỉ ra rằng: ICOR không sụt giảm trong năm 2010 và 2011. Do vậy, nợ công gia tăng mạnh trong các năm gần đây từ nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam vẫn lấy đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh đó hiệu quả đầu tư công ngày càng giảm khiến cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi Chính phủ phải gia tăng vay để đáp ứng nguồn vốn.

Lỗ đâu, Nhà nước chịu?

Mới đây, một số công ty xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà đã xin Chính phủ hỗ trợ trả nợ nước ngoài. Ngay sau đó, 4 Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và 2 Tổng công ty Hàng hải, Xăng dầu) được công khai trên báo chí, khiến cho vấn đề nợ công lại được khơi nóng.

Trao đổi với VOV.VN về việc Nhà nước có nên đáp ứng “lời kêu gọi” của các Công ty xi măng hay không, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – thẳng thắn trả lời rằng “Không và nên quyết liệt nói không. Bởi, ở đây không đơn giản là chuyện tăng gánh nặng cho Nhà nước mà còn là việc cạnh tranh, quản lý lĩnh vực đầu tư, chất lượng đầu tư...”.

Ông Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi: “Anh là công ty xây dựng tại sao lại đầu tư vào sản xuất xi măng? Đây không phải lĩnh vực bắt buộc Sông Đà phải đầu tư. Việc đầu tư dàn trải như vậy đã đủ để qui trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu doanh nghiệp này rồi”.

Ông Bùi Kiến Thành trăn trở về cách quản lý, sử dụng nợ công hiện nay (ảnh V.H)

Ông Thành đặt tình huống giả sử Nhà nước đồng ý hỗ trợ trả nợ cho các doanh nghiệp này thì chắc chắn sẽ tạo một tiền lệ xấu và sự bất bình đẳng của DNNN và DN tư nhân. “Trên thương trường không thể có chuyện anh cứ làm đi rồi nếu khó khăn thì sẽ có Nhà nước giúp đỡ. Khi đó, sẽ không ai sợ bị phá sản, không ai sợ cách quản lý yếu kém của mình vì kiểu gì cũng có người cứu vớt” – ông Thành nói.

Nợ nước ngoài của Việt Nam phần lớn là các khoản vay ODA của Chính phủ với lãi suất tương đối thấp, từ 1-3%, với thời hạn tương đối dài. Như vậy, xét về lãi suất và thời hạn thì tương đối có lợi thế trong vấn đề lãi suất và trả nợ. Ở ta, vay nợ là để đầu tư vào các công trình, cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi, bệnh viện... những cái mà tư nhân khó có thể làm thì nhà nước đứng ra đảm đương.

Những vết trượt dài

TS Đinh Thế Hiển cho rằng:Diễn biến kinh tế đầu năm 2011 cho thấy việc gia tăng đầu tư công thiếu trọng tâm đã là nguyên nhân quan trọng tạo ra lạm phát rất cao đi kèm với lãi suất cho vay trong nhóm cao nhất thế giới, gây khó khăn cho nền kinh tế và an sinh của người dân”.

Để kiềm chế lạm phát, theo TS Đinh Thế Hiển, Chính phủ đưa ra Nghị quyết 11 thắt chặt tiền tệ rất mạnh, trong đó có giảm đầu tư công. Tuy nhiên, đi kèm với tác động kiềm chế lạm phát, hạ nhiệt lãi suất thì nguồn vốn vào doanh nghiệp cũng bị co hẹp, gây khó khăn cho hoạt động SXKD và giảm việc làm. Như vậy có thể nói việc điều hành đầu tư công và nợ công trong giai đoạn vừa qua chưa hiệu quả, chưa trọng tâm, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nền kinh tế thừa tiền nhưng thiếu hàng hóa, xu thế đầu cơ tài chính gia tăng tạo nguy cơ bong bóng tài sản tài chính, kinh tế phát triển thiếu bền vững.

Nợ công của Việt Nam hiện chiếm khoảng 52% GDP, theo ông Bùi Kiến Thành, con số này không phải là đáng lo ngại mà vấn đề là chúng ta làm gì với con số ấy. “Bao nhiêu công trình làm không có chất lượng. Nhiều con đường, cây cầu làm được 2 – 3 năm đã xuống cấp do bị rút ruột. Nợ công của chúng ta lại tiếp tục “chạy” vào đó. Nợ công dùng để sản xuất ra những sản phẩm không có hiệu quả kinh tế thì không phải chỉ dừng ở 52% mà lên tới 60-70% rồi. Chất lượng đầu tư mới là quan trọng chứ 52% không nói lên ý nghĩa gì” – ông Thành phân tích.

Con số nợ công tăng lên hàng năm đã là đáng sợ, điều đáng sợ hơn là cách quản lý và sử dụng món nợ này. Quản không khéo, thì nợ của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như những con đường hư hỏng hiện nay. Cả lớp cốt và lớp áo của con đường đều không có độ bền, không có kết cấu phù hợp và buộc phải gia cố sau một thời gian ngắn.

Từ chất lượng đầu tư kém hiệu quả sẽ phát sinh ra những nợ công mới để giải quyết những nợ công đã bị sử dụng không đúng mục đích hay không đúng chất lượng. “Giờ đi vay để sửa những cái cũ cũng đã mệt rồi chứ đừng nói đến những đầu tư mới khác” – ông Thành bày tỏ băn khoăn.

Cần xem xét lại cơ cấu nợ công (ảnh KT)

Theo TS Đinh Thế Hiển, việc tập trung xây dựng chiến lược và quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công và nợ công trong kế hoạch tài khóa là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Chính phủ giai đoạn tới. Để đáp ứng được điều này phải tập trung vào xây dựng kế hoạch vả quản lý đầu tư công theo hướng: giảm đầu tư công (Chính phủ chỉ nên tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, còn lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước sẽ tự sử dụng cơ chế tài chính thị trường) và nâng cao chất lượng đầu tư công (Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng vào các vùng đang có năng lực sản xuất hàng hóa, cạnh tranh xuất khẩu để phát triển nguồn thu. Sau đó mới thu từ khu vực này để đầu tư phát triển các khu vực khác).

Để làm được điều này, theo ông Bùi Kiến Thành, chúng ta phải nghiên cứu kỹ xem nợ công dùng để làm gì, hiệu quả đến đâu, chất lượng ra sao và nếu chất lượng không đúng thì nó sẽ phát sinh ra những nợ công gì tiếp theo để phải sửa chữa những nợ công ấy…

“Thay đổi thực trạng nợ công hiện nay cũng chính là thay đổi cách phân bổ nợ và thay đổi thể chế điều hành giữa trung ương và địa phương. Nền kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công cũng đang ở bước ngoặt gian khó. Thúc đẩy nền kinh tế cũng sẽ thúc đẩy hiệu quả đồng vốn và nhờ đó, nợ công cũng được hưởng lợi. Điều này thực sự đòi hỏi tinh thần quyết liệt, hay nói cách khác, một cuộc cách mạng trong quản lý. Nếu không sẽ không ai dám trả lời đầy đủ hậu họa nợ công của Việt Nam là gì” – ông Thành khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên