Nợ công tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro dài hạn
VOV.VN -Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ.
Sau 1 năm, nợ công tăng khoảng 8 tỷ USD
Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 10h00 (giờ Việt Nam) hôm nay (15/5/2015), nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 89,321 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 982,3 USD; nợ công chiếm 46,5% GDP, tăng 9,9% so với năm 2014. Nợ công toàn cầu thời điểm này đang ở mức trên 56.034 tỷ USD.
Cách đây đúng 1 năm, nợ công của Việt Nam ở mức 81,243 tỷ USD, chiếm 47,8% GDP, tăng 11,0% so với năm 2013; bình quân nợ công đầu người 898 USD. Như vậy, sau 1 năm vừa qua, nợ công của nước ta tăng 8 tỷ USD. Nợ bình quân theo đầu người cũng tăng 84 USD.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 mới đây, nợ công “vẫn nằm trong phạm vi an toàn theo tiêu chuẩn về ngưỡng trần nợ công/GDP 65% do Bộ Tài chính đặt ra”.
Tuy nhiên, “nếu phân tích sâu hơn về đặc điểm và cách tính nợ công, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều yếu kém như hiện nay, sẽ thấy đây là một thực trạng đáng quan ngại hơn nhiều so với các con số trên”- PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bình luận.
Chỉ rõ hơn về một số quan ngại, ông Thiên nêu cụ thể: Theo các số liệu được Bộ Tài chính công bố, số liệu về nợ công qua các năm cũng như dự báo về diễn biến nợ công trong các năm tới ở Việt Nam đều cho thấy tỉ lệ nợ công/GDP luôn ở dưới mức 65%. Tính thanh khoản nợ công của Việt Nam được đánh giá khá tốt với trên 80% các khoản nợ nước ngoài là dài hạn với lãi suất thấp. Trong năm 2014, đối với các khoản nợ trong nước, số tiền vay để bù đắp thâm hụt ngân sách tăng 32,2%; các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm 21,7%; các khoản vay nợ của Chính phủ được điều chỉnh tăng 52,4% so với kế hoạch trước đó....
Nhìn vào các con số thống kê kể trên, PGS, TS Trần Đình Thiện nhận xét: “khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Mức độ nợ công luôn được báo cáo ở dưới ngưỡng an toàn, các điều chỉnh về mặt pháp luật là tương đối hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện hiện tại”.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, “vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ của chúng ta là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách”.
Nợ công đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nhiều rủi ro
Tại cuộc họp báo chiều qua (15/5), Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong thời gian qua có nhiều chuyển biến, ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận gần hơn với thông lệ tốt trên thế giới. Nước ta đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).
Tuy nhiên, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng chỉ ra hạn chế là: Nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững; Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ; Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công. Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm chưa được thường xuyên; Tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập; Nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra...
Phân tích những rủi ro về nợ công và quản lý nợ công, PGS, TS Trần Đình Thiên cho hay: Xét trên cấu trúc nợ, các tính toán về nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam có những sai lệch ở các nguồn khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Vì vậy, “việc đánh giá rủi ro đối với nợ công Việt Nam không thể dựa trên các khoản nợ ghi nhận trên sổ sách”- ông Thiên cảnh báo.
Bên cạnh đó, theo ông Thiên, chi tiêu công của nước ta hiện ở mức rất cao so với các nước. Quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng 15-20% GDP, nhưng tại Việt Nam chi tiêu công luôn vượt xa mức tối ưu này, và chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây.
Rủi ro nữa là về trả nợ. Đối với nợ trong nước, hệ thống ngân hàng gặp vấn đề về tính thanh khoản và nợ xấu. Nợ trong nước có tỷ trọng tăng nhanh, hiện chiếm tới hơn 50%. “Với rủi ro lãi suất cao và kỳ hạn ngắn, nghĩa vụ trả nợ trong nước sẽ vô cùng nặng nề, áp lực tăng cung tiền trả nợ dẫn đến lạm phát”. Đồng thời, “áp lực trả nợ nước ngoài dưới hình thức trả nợ trái phiếu quốc tế sẽ rất lớn và trường kỳ, có khả năng đưa Việt Nam rơi vào nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ tại các thời điểm nóng về đáo hạn nợ”- ông Thiên cảnh báo tiếp.
Vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn cho rằng, sự điều chỉnh tỷ giá VND/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, mà cụ thể ở phần nợ nước ngoài. Song hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014. Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy rằng, nợ công của Việt Nam mặc dù vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro về bội chi ngân sách và khả năng thanh toán nợ trong tương lai trung và dài hạn./.