Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản
VOV.VN - Sau gần 2 năm cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Hải Phòng không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau gần 2 năm cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản, thực hiện nghiêm các cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU), Hải Phòng không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh quản lý hoạt động của tàu cá trên biển, hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hướng dẫn ngư dân hình thành nền nếp ghi chép nhật ký đánh bắt đúng quy định.
Tranh thủ thời gian giữa hai chuyến đi biển của ngư dân, Chi cục Thủy sản Hải Phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã ven biển của quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên… tổ chức tuyên truyền cho bà con về Luật Thủy sản 2017, hướng dẫn lắp đặt và sử dụng các thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khai báo và ghi chép nhật ký đánh bắt…
Tất cả tàu cá trên 24m của Hải Phòng đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. |
Ông Lê Văn Phái, thôn Bảo Kiếm, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, Chi cục Thủy sản Hải Phòng còn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cấp giấy phép khai thác, hỗ trợ sơn mới, thay thế những biển số tàu đã cũ…
"Từ trước đến giờ, sổ ghi chép cũng chưa đầy đủ, chỉ được 60 - 70%. Bây giờ, được hướng dẫn những quy định chuẩn, lại mang tính chất răn đe, chúng ta phải làm cho chuẩn. Lắp máy vệ tinh thì mọi người phải làm cho đúng. Bây giờ đã được họp, khi xuất bến bộ đội Biên phòng cũng nhắc nhở đầy đủ, chúng ta cũng phải làm cho chuẩn" - ông Phái nói thêm.
Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng không phát hiện tàu cá nào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Nhận thức của ngư dân Hải Phòng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU) đã được nâng cao đáng kể.
Ông Lê Khả Tại, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, các chủ tàu đều thực hiện trình báo đầy đủ khi đưa tàu cập bến, xuất bến.
"Hiện nay, Chi cục đang thực hiện kiểm tra và giám sát tất cả các tàu cá. Đối với các tàu hoạt động tại vùng Vịnh Bắc Bộ, một số nơi có trạm phủ sóng, có thông tin liên lạc qua trạm bờ và qua điện thoại, chúng tôi sẽ gọi và thường xuyên trao đổi, nhắc nhở bà con ngư dân khai thác và ghi nhật ký khai thác, thực hiện tất cả các khuyến nghị của EC về chống đánh bắt hợp pháp cũng như triển khai Luật Thủy sản 2017," ông Tại nói.
Dù vậy, việc quản lý tàu cá của ngư dân Hải Phòng vẫn gặp một số khó khăn do hầu hết thiết bị giám sát đang được sử dụng chưa tích hợp tính năng gửi tin nhắn tự động khiến các trạm bờ khó truy xuất nguồn gốc hải sản; Việc ghi chép báo cáo khai thác và nhật ký khai thác của nhiều ngư dân cũng chưa đạt yêu cầu...
Các ngư dân xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang nghe phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp. |
Ông Đinh Như Bản, ngư dân thôn Lang Cát, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên chia sẻ: "Chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản cũng hỗ trợ, cấp 1 máy giám sát và tôi cũng lắp vào tàu. Tuy nhiên, tôi mới chỉ lắp xong, bật lên, chứ chưa biết sử dụng. Nhật ký cũng vướng, vì đi làm rất bận, ghi chép cũng chậm. Thời gian ghi chép từng mẻ lưới một cũng khó với ngư dân như tôi. Nghề vó mực chụp thì 1 đêm đánh 10 mẻ, ghi 10 lần thì hơi phức tạp".
Không chỉ về phía ngư dân mà chính các tổ văn phòng đại diện nghề cá thành phố Hải Phòng, bộ phận được thành lập tháng 9/2018 nhằm thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, cũng chưa thực sự hoạt động hiệu quả do không có đủ nhân sự chuyên trách, trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu và không đồng bộ để kiểm soát tàu ngay tại các cảng cá, bến cá...
Để bảo đảm thực hiện khai thác, đánh bắt hải sản theo các quy định quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có thành phố Hải Phòng, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
"Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lực lượng, các tổ chức và người dân thực hiện nhiệm vụ chống khai thác, đánh bắt cá bất hợp pháp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào việc thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, cũng như không thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ. UBND các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Thủy sản và chống khai thác IUU; xây dựng hệ thống thông tin nghề cá, đầu tư sửa chữa hệ thống cảng, nâng cấp trạm bờ... nhằm thực hiện mục tiêu đưa nghề khai thác hải sản phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm và cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu./.
Ngành thủy sản đối diện với cảnh báo “rác sẽ nhiều hơn cá”
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam