Nợ xấu - tiến độ giải quyết còn chậm

(VOV) -Việc trì hoãn thêm nữa các cải cách ngân hàng sẽ có thể làm tăng các khoản nợ dự phòng cho chính phủ…

Đó là khuyến cáo của đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam đối với việc phải đẩy mạnh hơn nữa tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Theo tổng kết từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, tuy lòng tin vào từng ngân hàng không cao nhưng thị trường vẫn tin tưởng vào khả năng của NHNN trong việc bảo đảm thanh khoản thị trường. Những diễn biến gần đây liên quan đến một ngân hàng lớn trong nước đã cho thấy khả năng và quyết tâm của NHNN trong hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo duy trì sự ổn định của thị trường ngân hàng.

Khó khăn của doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng

Đi sâu hơn vào việc phân tích bản chất vấn đề, ông Sanjay Kalra (đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam) khuyến cáo: Những yếu kém và thiếu minh bạch trong ngành ngân hàng đã ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng. Tiếp theo sự bùng nổ tăng trưởng tín dụng và cho vay “người nhà” đối với DNNN, hệ thống NH giờ đây đang được mô tả là có chất lượng tài sản kém, dự phòng không đủ và độ an toàn vốn không cao.

Ngoài ra, việc công bố quá nhiều con số về tỷ lệ nợ xấu hiện nay trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng khiến các chuyên gia băn khoăn. Thị trường có những đánh giá khác nhau và không chắc chắn về mức nợ xấu thực sự. Mặc dù các NH thương mại báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức khoảng 4% nhưng ước tính của NHNN lại ở mức 8%. “Nợ xấu đang tập trung ở các DNNN, nhất là những DN có dính líu đến lĩnh vực bất động sản. Với triển vọng tăng trưởng yếu ớt và sự cần thiết của cải cách và củng cố ngành ngân hàng đến năm 2015, mức nợ xấu còn có thể tiếp tục tăng thêm nữa” – ông Sanjay Kalra nói.

"Tiến độ thực hiện các kế hoạch hiện có của ngành NH vẫn còn chậm" - ông Sanjay Kaira
đại diện IMF tại Việt Nam. (ảnh minh họa- nguồn Internet)

Phân tích rõ hơn về cơ cấu nợ xấu của Việt Nam, ông Sanjay Kaira chỉ ra rằng: Một phần khá lớn số tiền cho vay từ các ngân hàng là dành cho DNNN. Các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không giải quyết vấn đề của các DNNN, là bên đi vay. Do đó, cải cách DNNN là tối quan trọng. Bước đầu, tình trạng tài chính thực sự của các DNNN cần được công khai cho dân chúng biết, bao gồm cả báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối đã được kiểm toán. Những doanh nghiệp này dùng tiền của Nhà nước (của dân) cho các hoạt động của mình, và do đó người dân cần được biết tiền của họ đã được sử dụng như thế nào. Sau khi đã biết về tình trạng tài chính thực sự của các doanh nghiệp này, có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện hoạt động và cơ cấu điều hành của chúng. Những kế hoạch này phải được xây dựng và thực hiện kịp thời.

Mặc dù đã có những đề xuất cải cách, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém cuối năm 2011 và đầu năm 2012, những nội dung thảo luận gần đây về việc thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ và những nỗ lực tăng cường quản trị rủi ro tại các ngân hàng, nhưng chúng ta vẫn cần có một chiến lược cải cách toàn diện cho ngành này. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các kế hoạch hiện có vẫn còn chậm. Một đề án tái cơ cấu mang tính thực tế dựa trên các cuộc thanh tra tại chỗ một cách thấu đáo là rất cần thiết để làm bộc lộ mức độ thiệt hại và yêu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng. Đề án này cần phân biệt giữa các ngân hàng không có khả năng thanh toán và các ngân hàng có khả năng thanh khoản, buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ trước khi được bơm thêm vốn, và phải giải quyết các khoản nợ xấu. Việc trì hoãn thêm nữa các cải cách ngân hàng sẽ có thể làm tăng các khoản nợ dự phòng cho chính phủ và đặt ra rủi ro cho tính bền vững của nợ công.

Chia sẻ quan điểm về việc giải quyết nhanh các khoản nợ xấu càng sớm càng tốt, bà Victoria Kwawa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: “Không có những giải pháp quyết đoán, thì chi phí để giải quyết những thách thức này sẽ cao. Ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính cao đến mức 30-40% GDP”.

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Để “giải tỏa” các băn khoăn của các chuyên gia tài chính quốc tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết về kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trên cơ sở những gì đã làm được NHNN sẽ tiếp tục quyết liệt tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn, khẩn trương tiến hành các quy trình thủ tục để sớm phê duyệt các phương án tái cơ cấu đối với các NHTM yếu kém còn lại; đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình tái cơ cấu theo các phương án này, xác định mục tiêu cuối cùng của việc tái cơ cấu là duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống, đảm bảo sự lành mạnh của ngân hàng tái cơ cấu.

Cụ thể, trong năm 2013, NHNN sẽ tập trung triển khai các giải pháp phù hợp với Quyết định 254/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”, bao gồm: Hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn trong hoạt động ngân hàng; Tiếp tục triển khai lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ; Triển khai việc cơ cấu lại hoạt động và quản trị của TCTD; Hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của NHTM yếu kém; Hoàn thành cơ cấu lại các Công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đối với chính sách lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Đối với chính sách tín dụng, trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, khả năng quản trị điều hành của TCTD, NHNN kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp theo hướng tập trung đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Nhìn lại kết quả hoạt động của NH năm 2012, điều đáng ghi nhận nhất là đã đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng đã được thực hiện thành công – đây là nhiệm vụ chính để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng; Đánh giá và xếp loại các ngân hàng thành các nhóm và xử lý 9 ngân hàng yếu kém nhất; Đánh giá điều kiện tài chính hiện tại, chất lượng tài sản và mức độ nợ tồn đọng (tỷ lệ nợ tồn đọng tính đến 30/9 là 8.82%); Kế hoạch xử lý nợ xấu đối với toàn  bộ hệ thống đang được xây dựng và sẽ sớm được phê duyệt.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu đối với từng ngân hàng riêng lẻ. Trong đó, kế hoạch tái cơ cấu toàn diện đối với Ngân hàng thương mại Sài Gòn sẽ được phê duyệt sớm. Đối với 6 ngân hàng khác, 2 ngân hàng tự tái cơ cấu hoặc sáp nhập, 4 ngân hàng khác đã trình kế hoạch tái cơ cấu để chờ phê duyệt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên