Nông dân Củ Chi làm giàu từ nuôi bò sữa
VOV.VN - Nhờ mô hình này, hàng trăm hộ dân một số xã thuộc huyện Củ Chi đã có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm.
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất, huyện Củ Chi, TP HCM đang thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bằng việc áp dụng những mô hình sản xuất theo định hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại. Trong đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò sữa.
Đến xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, chúng tôi cảm nhận được sức sống của một xã nông thôn mới. Đưa chúng tôi đi thăm những đàn bò sữa và những cánh đồng cỏ voi xanh mướt, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi khoe: Xã Tân Thạnh Đông đã đạt được 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ngay cả những tiêu chí khó đạt nhất là thu nhập bình quân đầu người và tiêu chí về môi trường, cán bộ và nhân dân địa phương cũng đã nỗ lực đạt được. Hàng trăm hộ dân trong xã đã có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm. Kết quả đó có được phần lớn là nhờ nghề nuôi bò sữa.
“Phương hướng sắp tới toàn xã thực hiện 100% số hộ dân nuôi bò sữa phải có hệ thống hầm Biogas. Tất cả các hộ dân phải đặt cống khép kín tại tất cả các tuyến đường dọc khu dân cư để không xả nước ra đường. Xã cũng thí điểm 1, 2 tuyến cống khép kín cho nhân dân lấy nước ở những điểm tập kết nước dùng để tưới cho cỏ, phục vụ cho đàn bò sữa của Tân Thạnh Đông”, ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.
Với giá 13.500 đồng/kg sữa bò tươi như hiện nay, nếu nuôi 10 con bò sữa, người nông dân sẽ có lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Tuy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập cao, nhưng để áp dụng mô hình chăn nuôi này, người nông dân cần có nhiều vốn để mua bò giống, đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng cỏ, thức ăn cho bò.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, máy vắt sữa và phải có kỹ thuật chăn nuôi cao. Để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân nuôi bò sữa, TP HCM đã có sự hỗ trợ thiết thực bằng cách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi khi có phương án sản xuất cụ thể và được chính quyền cấp xã xác nhận.
Anh Nguyễn Hùng Dũng, ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông cho biết, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, gia đình được vay vốn theo Quyết định 13 của UBND thành phố với số tiền 500 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mua bò sữa và mở rộng sản xuất có hiệu quả.
Đối với những địa phương nuôi bò sữa tập trung ở huyện Củ Chi, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất là rất quan trọng. Để đảm bảo chất lượng sữa bò tươi theo yêu cầu của đơn vị thu mua, người nông dân ở Củ Chi phải trồng cỏ sạch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho bò. Việc vắt sữa cũng phải thực hiện bằng máy và bảo quản sữa theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Trương Văn Nồi, người nuôi bò sữa ở ấp 3, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi cho rằng, chăn nuôi bò sữa không khó khăn lắm, chỉ quan tâm nhiều đến dịch bệnh. Điều này cần có sự giúp đỡ về mặt chuyên môn, kĩ thuật của Sở Nông nghiệp thành phố. Có được điều này bà con sẽ an tâm phát triển đàn bò sữa.
Hiện nay, TP HCM có tổng đàn bò sữa hơn 100.000 con, chiếm gần 55% tổng đàn bò sữa của cả nước, trong đó, riêng huyện Củ Chi đã có tới gần 60.000 con của hơn 8.500 hộ nuôi. Ngoài xã Tân Thạnh Đông, bò sữa còn được nuôi nhiều tại các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An. Đây là nơi cung cấp sữa bò chủ yếu cho các công ty sữa lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Vinamilk, Dutch lady, Friesland Campina.
Nếu một ha đất trồng lúa chỉ cho thu nhập chưa đến 30 triệu đồng 1 năm, khi chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa, thu nhập của người nông dân sẽ tăng gấp 5 lần, tức là đạt khoảng gần 150 triệu đồng/ha. Để tránh tình trạng làm ăn theo lối tự phát, UBND huyện Củ Chi đang phát triển đàn bò sữa và diện tích đất trồng cỏ theo đúng quy hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trước đây huyện Củ Chi có 17.000 – 18.000 ha đất trồng lúa năng xuất thấp, huyện đã định hướng chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò sữa cho năng suất cao.
“Trước đây, năng suất sữa theo chu kỳ của một con bò chỉ đạt 3 – 3,5 tấn/con, đến nay 1 con bò sữa của Củ Chi đã cho 6 tấn sữa/con, một chu kỳ. Mặc dù đàn bò phát triển như vậy, nhưng huyện Củ Chi định hướng không phát triển thêm số lượng mà tập trung phát triển về năng suất và chất lượng bằng cách phối dòng tinh cao sản và ứng dụng các giải pháp dinh dưỡng vào nuôi trồng”, ông Phú khẳng định.
Nuôi bò sữa chỉ là một trong nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả mà Củ Chi áp dụng ở các xã nông thôn mới, như: mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng hoa, cây cảnh hay mô hình nuôi cá giống. Những mô hình này đang giúp người nông dân ở vùng “đất thép” làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình./.