Nông dân lo lắng trước giá phân bón tăng cao
VOV.VN - Giá lúa thì không đinh, trong khi giá phân bón, thuốc lại tăng cao, khiến nhiều nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL cảm thấy lo lắng và trăn trở về tiếp tục canh tác vụ Hè Thu nữa hay không...
Hiện nay, người dân ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, vụ lúa quan trọng trong năm với sản lượng ước tính khoảng 11 triệu tấn, đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, giá vật tư phân bón tăng cao trong thời gian qua đã đội chi phí, người dân lãi ít và thực trạng nhiều nông dân không trồng lúa vụ Hè Thu đang hiện hữu.
Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 toàn vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha và tập trung nhiều ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Cơ cấu giống đặc sản, chất lượng cao chiếm khoảng 60% để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu và thời điểm này người dân đang tất thu hoạch vụ lúa quan trọng nhất trong năm.
Ghi nhận giá lúa Đông Xuân năm nay được thương lái thu mua thấp hơn vụ Đông Xuân vừa qua, giá lúa IR 50404 được người dân bán cho thương lái từ 5.400 - 5.500 đồng/kg. Những giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao có giá bán từ 5.800 - 5.900 đồng/kg. Giá bán lúa thấp, trong khi giá vật tư tăng cao, nhất là mặt hàng phân bón đã đội giá thành sản xuất tăng, khiến lợi nhuận thu được từ vụ lúa quan trọng nhất năm không được nhiều. Từ giá thành vật tư tăng cao, nhiều nông dân đang lưỡng lự trong việc có nên tiếp tục canh tác vụ lúa Hè Thu nữa hay không.
Nông dân Phan Thiện Khanh, ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, vụ lúa Đông Xuân này anh cùng một số hộ dân trồng giống lúa IR 50404, vừa qua thương lái đến thu mua với giá 5.400 đồng/kg. Với một công tầm lớn (1.300 m2) anh Khanh thu hoạch hơn 1 tấn lúa, với giá bán cho thương lái tại ruộng sau khi trừ hết chi phí lời lãi khoảng 2,2 - 2,4 triệu đồng. Trong khi đó, nếu như vụ lúa Đông Xuân năm trước tiền lãi cao hơn nhiều lần do giá vật tư phân bón thời điểm đó chưa tăng phi mã như hiện nay.
Anh Phan Thiện Khanh chia sẻ, nếu như trước đây giá đạm Urê loại 50kg/bao có giá bán khoảng 350.000 đồng thì đến vụ lúa Đông Xuân vừa qua đã lên tới gần 1 triệu đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với trước. Chính điều này đã khiến giá thành sản xuất lúa tăng cao, lợi nhuận của người dân giảm. Khi được hỏi về vụ lúa Hè Thu nông dân như anh sẽ canh tác ra sao thì anh Khanh nêu rằng, sẽ không canh tác vụ Hè Thu mà để đất trống hoặc trồng màu ngắn ngày. Với giá vật tư tăng, trong khi chưa biết đầu ra vụ lúa tiếp theo ra sao nên giờ đây chỉ trồng 2 vụ lúa/năm.
"Bà con giờ chỉ mong muốn giá phân, thuốc ở mức ổn định, năm nay giá phân Ure tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Giá lúa thì không biết làm sao, vật tư tăng, năng suất năm nay thì không ổn định, thấp hơn các vụ khác. Bà con bỏ vụ cũng nhiều lắm!" - anh Khang chia sẻ.
Hiện nay, nông dân Vĩnh Long cũng đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân với diện tích khoảng 35.000 ha. Năng suất đạt khá cao từ 7 - 8 tấn/ha. Thời tiết hiện nay thuận lợi để bà con thu hoạch lúa và bán tại ruộng. Tuy nhiên giá bán tại ruộng hiện nay chỉ đạt từ 5.650 - 5.800 đồng/kg, thắp hơn vụ lúa lúa năm ngoái khoảng 100 đồng/kg. Trong khi giá phân bón tăng 40-50% có loại tăng gấp đôi so với vụ trước.
Do đó, vụ Đông Xuân năm nay nông dân Vĩnh Long lời không đáng kể. Đối với những trà lúa vừa xuống giống gặp mưa làm chết giống buộc phải sạ lại lần 2 thì không có lời.
Anh Lê An Đông, một nông dân ở xã Tân Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Mỗi một năm tiền phân bón, thuốc tôi làm một công khoảng 1 triệu đồng, mà năm nay giá phân thuốc lên 2 triệu đồng. Lúa thì trúng, nhưng giá phân thuốc cao quá nên lời nông dân lời không nhiều so với mọi năm".
Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022, Cần Thơ xuống giống hơn 76.000 ha, đạt 100% so với kế hoạch, những giống lúa tập trung vào giống lúa thơm, đặc sản chiếm hơn 90%. Hiện nay, Cần Thơ đang đã thu hoạch hơn 50.000 ha, ước tính năng suất hơn 7 tấn/ha. Tuy nhiên, vụ lúa Đông Xuân này giá vật tư tăng cao, nhất là phân bón đã khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn mọi năm, khiến cho lợi nhuận của người dân giảm.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, giá thành sản xuất cao đã khiến lợi nhuận của người dân giảm so với vụ Đông Xuân trước. Ngoài ra, năng suất lúa vụ lúa Đông Xuân năm nay cũng thấp hơn năm trước, giá thành sản xuất tăng cao, giá bán lúa cũng thấp hơn hơn năm rồi nên tính bình quân 1 ha người dân lãi khoảng 18 triệu đồng.
Là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nhưng trước thực trạng cho thấy, giá lúa không cao hơn vụ Đông Xuân năm trước, trong khi giá phân bón tăng phi mã khiến cho giá thành sản xuất tăng lên, lợi nhuận của người dân ngày càng giảm.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều nông dân đang trăn trở về tiếp tục canh tác vụ Hè Thu nữa hay không khi chưa biết trước thị trường lúa gạo sẽ có những biến động gì. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể, dài hạn để đảm bảo giá vật tư ổn định, khi đó người dân an tâm sản xuất và phát huy thế mạnh của ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL khi đóng góp tới hàng tỷ USD về xuất khẩu./.