Nông dân Phú Yên kỳ vọng "đổi đời" nhờ mô hình thâm canh gỗ lớn

VOV.VN - Hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan và tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng cây keo. Mô hình này từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời, giúp tỉnh Phú Yên mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Trong 2 năm (2020 - 2021), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp thực hiện “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” tại các xã đặc biệt khó khăn như xã Xuân Quang  2, huyện Đồng Xuân; các xã Cà Lúi, Sơn Hội và Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, với tổng diện tích 90 ha. Loại giống sử dụng là các dòng keo nuôi cấy mô được công nhận gồm AH1, BV75. So với canh tác rừng truyền thống, hiệu quả kinh tế từ mô hình này được đánh giá là tương đương và có phần cao hơn. Nguyên nhân là nhờ giảm lượng giống trồng, giảm chi phí công trồng, bón phân, chăm sóc…

Nhiều người dân ở tỉnh Phú Yên tham gia các dự án mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn khi mới bắt đầu tham gia rất băn khoăn. Bởi theo người dân, thời gian để thu hoạch cây gỗ lớn lâu và rủi ro cao. Đó là chưa kể dịp cuối năm thường mưa bão, cây keo hay đổ ngã nên nhiều người lo ngại. Ông Trần Tâm, trú thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, ông tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 2,7 hecta. Cây trồng đã một năm đang phát triển tốt, chịu hạn và chống chọi được gió nên rất an tâm.

“Cây keo giống này tốc độ phát triển tốt hơn cây keo trồng bình thường, bây giờ thấy cũng đạt. Chăm sóc đúng kỹ thuật cây phát triển nhanh. Nói chung đất của gia đình tôi cây keo phát triển bình thường, những chỗ khác cây to hơn và cao từ 4 đến 5m. Mình trồng cây đạt năng suất, sau này bán giá cao hơn cây bình thường”, ông Trần Tâm nói.

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, cả xã có 14 hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 30 ha. Cây phát triển rất tốt, chính vì thế, nhiều người dân đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng gỗ lớn. Để mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển bền vững, UBND xã Xuân Quang 2 đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo dõi sự sinh trưởng của cây keo. Hiện nay, giống keo AH1 đã trồng có tốc độ phát triển gấp 1,5 lần cây keo bình thường.

“Bà con còn khó khăn nữa là thời gian, mật độ thưa, thu hoạch chu kỳ thời gian 8 đến 10 năm, bà con ở đây chủ yếu 5 năm là chính. Cho nên cũng vận động bà con là hiệu quả mô hình thâm canh gỗ lớn này chúng ta bán gỗ có giá trị hơn. Địa phương cũng cố gắng vận động bà con làm sao đánh giá được hiệu quả được mô hình này so với mô hình khác”, ông Nguyễn Văn Khương cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp, Chủ nhiệm mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô “được công nhận” cho biết, mật độ trồng rừng gỗ lớn thưa hơn rất nhiều so với cây keo trồng bình thường. Nếu cây trồng đạt năng suất tốt, cây từ 7 đến 8 tuổi sẽ đạt hơn 200 m3/hecta.

“Mô hình này mật độ là 1.660 tức là 2m x 3m, bà con có thể trồng khoảng cách 2.5m x 2.5 m. Khác với khu vực miền Trung trở vào là bà con trồng 3.000 đến 4.000 cây/hecta. Tức là người ta mua cây giống giá rẻ trồng 3 đến 4 năm rồi chặt luôn. Do vậy, mô hình này khác biệt hoàn toàn. Nếu như anh trồng dày, trồng nhanh như thế năng suất thấp là một, đất nhanh thối hóa là hai, thứ 3 là giống thoái hóa rất dễ gây ra sâu bệnh. Mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai mô cải thiện toàn bộ”, ông Nguyễn Hoàng Tiệp cho hay.

Tại tỉnh Phú Yên, nhân công ngành nông, lâm nghiệp ngày càng khan hiếm, nhất là trong giai đoạn trồng, thu hoạch. Việc phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn sẽ giảm bớt diện tích trồng keo, giảm áp lực công lao động lúc trồng, thu hoạch keo. Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản phẩm sẽ phục vụ nhu cầu gỗ sản xuất tại địa phương cũng như cả nước, giảm áp lực khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, từ đó góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

PGS. TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô tại tỉnh Phú Yên bước đầu phát triển rất tốt, địa phương và người dân tham gia mô hình phải đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật trong việc chăm sóc cây keo.

“Chúng ta phải trồng thưa, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh thì phải thâm canh, tức là phải có bón phân. Trước đây, trồng rừng không có khái niệm bón phân, nhưng ở đây đã bón thì gọi là thâm canh. Bên cạnh đó, các biện pháp chăm sóc bổ trợ là kỹ thuật phát dọn, tỉa, dặm. Mặc dù mới một năm, nhưng thấy cây rất đồng đều và sinh trưởng, phát triển tốt, chắc chắn chúng tôi nghĩ mô hình mang lại hiệu quả cao trong những năm tới”, PGS. TS. Lê Quốc Thanh cho biết thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân Yên Bái đang "sống khỏe" nhờ gỗ rừng trồng
Người dân Yên Bái đang "sống khỏe" nhờ gỗ rừng trồng

VOV.VN - Bên cạnh tạo việc làm nâng cao thu nhập, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng còn đóng góp ngân sách bình quân khoảng trên 28 tỷ đồng mỗi năm.

Người dân Yên Bái đang "sống khỏe" nhờ gỗ rừng trồng

Người dân Yên Bái đang "sống khỏe" nhờ gỗ rừng trồng

VOV.VN - Bên cạnh tạo việc làm nâng cao thu nhập, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng còn đóng góp ngân sách bình quân khoảng trên 28 tỷ đồng mỗi năm.

Trôi nổi nguồn cây giống phục vụ trồng rừng ở Bắc Kạn
Trôi nổi nguồn cây giống phục vụ trồng rừng ở Bắc Kạn

VOV.VN - Với các loại cây giống được mua bán trôi nổi, dù khi giao cây vẫn xanh tốt nhưng quá trình sinh trưởng của cây có thể gặp nhiều rủi ro.

Trôi nổi nguồn cây giống phục vụ trồng rừng ở Bắc Kạn

Trôi nổi nguồn cây giống phục vụ trồng rừng ở Bắc Kạn

VOV.VN - Với các loại cây giống được mua bán trôi nổi, dù khi giao cây vẫn xanh tốt nhưng quá trình sinh trưởng của cây có thể gặp nhiều rủi ro.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng gỗ lớn
Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng gỗ lớn

VOV.VN - Nhận khoán giao đất trồng rừng từ năm 2002, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, huyện Lâm Thao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khoảng 2 ha.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng gỗ lớn

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng gỗ lớn

VOV.VN - Nhận khoán giao đất trồng rừng từ năm 2002, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, huyện Lâm Thao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khoảng 2 ha.