Nông dân Sơn La làm giàu nhờ cây mía
VOV.VN - Nhờ gắn bó với cây mía, đời sống của nhiều hộ dân ở Sơn La đã thêm khấm khá, ổn định. Không ít hộ làm giàu được từ chính cây mía.
Trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn, đến nay, cây mía được người nông dân ở tỉnh Sơn La chọn là cây trồng chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ gắn bó với cây mía, đời sống của nhiều hộ dân ở đây đã thêm khấm khá, ổn định; không ít hộ làm giàu được từ chính cây mía.
Diện tích mía nguyên liệu ở Sơn La đang tăng dần |
Đang tất bật với việc thu hoạch mía, anh Lò Văn Nam, bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn vẫn không giấu được niềm vui được mùa. Gia đình anh có 3,7 ha đất trồng mía, mỗi năm thu nhập từ cây mía hơn 350 triệu đồng.
Anh Nam cho biết, mía nhà anh đã trồng ổn định từ lâu nên hàng năm chỉ cần bón phân 2 lần; công chăm bón, làm cỏ không đáng bao nhiêu. Khi thu hoạch thì bà con trong bản thường đổi công cho nhau nên tiết kiệm được chi phí thuê nhân công chặt mía.
Cùng với cây mía gia đình anh Nam còn nuôi trâu, bò, lợn, gà phục vụ sinh hoạt gia đình. Năm nay, gia đình cũng tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng. Đối với người nông dân ở tỉnh miền núi Sơn La đây là số tiền không nhỏ.
Còn tại bản tái định cư Sơn Pha, xã Cò Nòi, cây mía cũng là một trong những cây trồng chủ lực của bà con. Anh Lò Văn Dũng, Trưởng bản Sơn Pha chia sẻ: Bà con chuyển từ xã Pha Khinh về đây. Trước đây người dân chỉ trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ cuộc sống rất vất vả.
Từ khi chuyển đến quê mới và gắn bó với nghề trồng mía, đời sống của bà con đã dần thay đổi. Cây mía rất hợp với đất này, năng suất trung bình đạt 70 - 80 tấn/ha, với giá thu mua từ 700 - 850 đồng/kg, mỗi ha mía bà con thu nhập 50-60 triệu đồng, anh Dũng cho hay.
Hiện nay, vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sơn La đạt gần 8.000 ha, tập trung ở Mai Sơn và mở rộng đến một số xã của các huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu.
Năm 2017, Công ty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đưa công suất nhà máy từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.000 tấn mía/ngày, bảo đảm tiêu thụ hết mía nguyên liệu cho nông dân, ước năm nay khoảng 520 nghìn tấn.
Trung bình mỗi năm, Công ty dành khoảng 30 tỷ đồng cho các hộ dân có ký cam kết trồng mía nguyên liệu vay để đầu tư phục vụ sản xuất, với nhiều chính sách hỗ trợ như cung ứng trả chậm giống mía, phân bón, hỗ trợ làm đất trồng mía, tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân.
Khi thu hoạch, Công ty CP Mía đường Sơn La đều cử cán bộ nhà máy xuống phổ biến lịch cho bà con, đồng thời hướng dẫn bà con thu hoạch đúng thời vụ, xếp lịch thu mua, vận chuyển, bảo đảm công tác thu hoạch không bị gián đoạn. Thu mua đến đâu, công ty thanh toán cho bà con đến đó, nhờ vậy bà con rất yên tâm với cây mía.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La khẳng định: Đa số người dân thì rất tin tưởng sự đầu tư và trách nhiệm của công ty với ngươì dân. Đặc biệt, công ty vẫn quyết định giữ nguyên giá mía 850 đồng/kg. Bảo vệ người dân và sống cùng với người dân là nền tảng cho mục đích nâng công suất của công ty.
Không khí xuân đang rộn ràng trên khắp các cánh nương đồi mía ngút ngàn, một mùa xuân ấm no, đủ đầy từ chính công sức lao động của những người nông dân Sơn La, với sự góp sức đồng hành của doanh nghiệp./. Hậu Giang thêm một mùa mía ngọt