Nông dân trồng cam thi nhau sắm xe sang
VOV.VN - Bình quân mỗi ha cam cho thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank – WB) trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Hòa Bình đã được chuyển giao và đang áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cam nổi tiếng ở huyện Cao Phong và rau an toàn tại huyện Lương Sơn.
Với độ cao trung bình khoảng 300m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3-4 độ C, đất đai của huyện Cao Phong- Hòa Bình phù hợp với trồng cây có múi, nhất là cam, quýt...
Nâng tầm cam Cao Phong
Ở Hòa Bình, các cây trồng hàng hóa chính bao gồm cam quýt (ở Cao Phong), rau các loại (ở Lương Sơn và Yên Thủy) và mía (ở Cao Phong và Tân Lạc). Trong Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, tới năm 2020 sẽ phát triển bền vững vùng sản xuất hàng hóa cam đạt 3.500 ha ở Cao Phong, Kim Bôi và Lạc Thủy và vùng sản xuất rau hàng hóa ở Lương Sơn, Yên Thủy và thị xã Hòa Bình đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Tuyên thu nhập từ 4 - 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cam. (Ảnh: Báo Công lý) |
Nằm cách Hà Nội khoảng 100 km và có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, Cao Phong từ lâu đã được coi là một trong các vùng sản xuất cam lớn nhất ở miền núi phía Bắc. Từ chỗ chỉ là nông sản địa phương ít người biết đến, cam Cao Phong đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cả nước khi có nhu cầu sử dụng quả cam tươi chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cam Cao Phong có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ cam Cao Phong đang được mở rộng từ khu vực miền Bắc bắt đầu vươn tới các tỉnh, thành phía Nam.
Qua đánh giá, bình quân mỗi ha cam cho thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ. Với mức lãi như vậy, nơi đây bỗng chốc nổi tiếng với hàng trăm tỷ phú. Những biệt thự sang trọng mọc lên san sát, những chiếc ô tô thượng hạng như Lexus, Camry, Fortuner... được “tậu” về. Tại vùng trồng cam này, thu nhập trung bình của nhiều gia đình năm qua lên tới 2 - 5 tỷ đồng; cá biệt có hộ thu nhập 8 - 10 tỷ đồng/vụ.
Cam Cao Phong với chất lượng ngon đặc trưng đã từng là sản phẩm xuất khẩu sang Liên Xô cũ và các nước Đông Âu |
Mặc dù sản phẩm cam, quýt của huyện Cao Phong từ lâu đã làm “nức lòng” người tiêu dùng toàn quốc, nhưng hiện tại những vườn cam, quýt của địa phương này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế như: thiếu bộ giống đa dạng để có thể rải vụ thu hoạch (hiện chỉ khoảng 10 giống cam, quýt được trồng tại Cao Phong, chín và được thu hoạch tập trung; điều này gây nguy cơ rủi ro cao cả về thị trường và về sâu bệnh hại, thời tiết); Sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chưa được tổ chức và chưa liên kết được với thị trường; các kỹ thuật canh tác bền vững (ICM, IPM...) chưa được áp dụng nhiều.
Nhiều diện tích cam già cỗi hoặc bị sâu bệnh, cần được thay thế; Hệ thống tưới và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thâm canh qui mô lớn; các hộ sử dụng bơm tưới và ống dẫn riêng lẻ, hiệu quả sử dụng nước thấp; Thương hiệu cho cam Cao Phong chưa đươc đăng ký, dẫn đến khó khăn và thiệt thòi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục những hạn chế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang triển khai một loạt các biện pháp kỹ thuật từ Dự án WB7 cho cây cam, quýt ở Cao Phong như: Nâng cao năng lực cho Công ty Hoa quả Cao Phong trong sản xuất và cung cấp cây giống có múi với các công việc cụ thể như: Thử nghiệm, đánh giá và phổ biến một số giống cam mới nhằm đa dạng bộ giống cam, giúp rải vụ thu hoạch (giống chín sớm, chính vụ và vụ muộn); Cải tạo các giống cam hiện có đang bị thoái hóa, bao gồm xác định, công nhận và bảo tồn cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng dùng làm nguồn vật liệu nhân giống; Tăng cường và nâng cấp hệ thống nhà lưới, nhà màn phục vụ nhân giống; hoàn thành các thủ tục để có được giấy chứng nhận cho sản xuất và cung cấp cây giống chất lượng.
Với giá trị bình quân 650-700 triệu đồng/ha, đời sống người dân Cao Phong không ngừng được nâng cao, nhiều người làm giàu từ cây cam |
Xây dựng hệ thống CSA sản xuất cam theo hướng cánh đồng mẫu lớn: Xây dựng qui trình kỹ thuật sản xuất cam an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng; xây dựng kỹ thuật thu hoạch và sau thu hoạch nhằm giảm thiểu mất mát sau thu hoạch; hỗ trợ thiết kế và lắp đặt thiết bị tưới nước tiết kiệm (tưới tới gốc); hỗ trợ cải thiện cơ sở bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển tới thị trường tiêu thụ nhằm hạn chế thiệt hại;
Xác định nhóm hộ sản xuất (thuộc nhóm sử dụng nước do hợp phần 1 xây dựng) và hỗ trợ nhóm ứng dụng các thực hành bền vững xây dựng hệ thống CSA sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, phát triển các mối liên kết giữa các bên khác nhau (nhà cung cấp dịch vụ, nhà khoa học, nhà kinh doanh…); tổ chức tập huấn cho nông dân theo phương pháp FFS; tổ chức các buổi tham quan đồng ruộng để thảo luận hướng tới nhân rộng ứng dụng các thực hành bền vững.
Hỗ trợ xây dựng và khai thác thương hiệu cho cam Cao Phong: Xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cam Cao Phong; hoàn thiện đăng ký để được công nhận khu vực đủ điều kiện sản xuất, sơ chế cam an toàn theo qui định; phát triển thương hiệu cam Cao Phong; phát triển các mối liên kết giữa các bên liên quan; xác định các đơn vị đối tác chính tham gia liên kết 4 nhà.
Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn đại lý cam Cao Phong, cùng với chất lượng đảm bảo, thương hiệu sản vật của tỉnh Hòa Bình ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng |
Phát triển vùng rau an toàn tập trung
Huyện Lương Sơn, nằm trong qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn của Hòa Bình, cách TP.Hà Nội khoảng 40 km và có điều kiện, tiềm năng phát triển rau sạch cho thị trường thủ đô rộng lớn. Vì thế, việc xây dựng, trình diễn hệ thống CSA sản xuất rau an toàn tại huyện Lương Sơn nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp cây/con giống tốt được tăng cường, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong địa bàn; thương hiệu cho rau an toàn Lương Sơn được đăng ký và khai thác hiệu quả; một hệ thống CSA sản xuất rau đa dạng các loại rau theo hướng an toàn; tăng số lượng nông dân áp dụng các thực hành CSA.
Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đang triển khai đánh giá, xác định nhu cầu và yêu cầu thị trường cho sản phẩm rau Lương Sơn và quy hoạch chi tiết vùng sản xuất rau an toàn tại Lương Sơn; Giới thiệu, đánh giá các giống/loại rau mới (trong nước và nhập nội), xây dựng/hoàn thiện các kỹ thuật sản xuất an toàn cho từng giống/loại rau có tiềm năng; xây dựng một hệ thống CSA cho sản xuất rau an toàn; và hỗ trợ xây dựng và khai thác thương hiệu cho rau an toàn sản xuất tại Lương Sơn.
Việc triển khai các hoạt động trên đang được tỉnh Hòa Bình xúc tiến một cách tích cực để sớm định hình và xây dựng được những vùng sản xuất cam, rau tập trung quy mô lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn về ATTP và hướng tới sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.