Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân Quảng Ninh “đổi đời”
VOV.VN - Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi mới giúp nông dân Quảng Ninh có được nguồn thu nhập cao, ổn định...
Với mục đích đưa thực phẩm sạch đến từng bữa ăn gia đình và phương châm kinh doanh “nói không với thực phẩm bẩn”, mô hình nông nghiệp công nghệ cao “188 Green Farm” là một trong những đơn vị đi đầu tại tỉnh Quảng Ninh trong ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn. |
Dù là buổi trưa nhưng các hoạt động thu hoạch, phân loại, đóng gói rau tại 188 Green Farm vẫn diễn ra sôi động. Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ trách kỹ thuật của cơ sở này cho biết: 188 Green Farm xuất rau theo đơn hàng và giao trực tiếp cho khách nên hầu như công việc diễn ra không kể thời gian sớm, trưa hay là tối, miễn sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng tươi ngon, đảm bảo chất lượng như khi ở trong vườn trồng là được.
Trên diện tích 1,5ha với 12 nhà màng trồng rau thủy canh và trồng củ quả giá thể, mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao của 188 Green Farm đang có hàng chục loại rau, củ, quả. Chỉ tính rau ăn lá đã lên đến 22 loại, riêng sản phẩm dưa leo baby, cà chua trồng tại cơ sở đạt chất lượng rất cao, khác biệt lớn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tất cả các giống rau đều được nhập từ Hà Lan, Isarel. Các công đoạn từ ươm, trồng, chăm sóc, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây đến thu hoạch, đóng gói sản phẩm… đều được thực hiện đúng quy trình sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng như đảm bảo các tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn VietGap.
Riêng việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây (pha trong nước) do đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề trực tiếp pha chế, giám sát về chủng loại, số lượng, thời gian phù hợp với từng loại cây, từng giai đoạn phát triển của cây. |
Trong quá trình chăm sóc, việc phòng trừ sâu bệnh được 188 Green Farm thực hiện thủ công, thời điểm sâu bọ phát triển mạnh thì sử dụng thuốc kháng sinh sinh học (được ngâm từ tỏi, ớt…) và phun dưới giàn trồng, tránh tác động trực tiếp trên lá cây, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học.
Chính từ việc lấy tiêu chí chất lượng làm hàng đầu nên sản phẩm rau, củ, quả của 188 Green Farm sản xuất ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí có lúc còn “cháy hàng”, không sản xuất kịp theo nhu cầu của thị trường tiêu dùng.
Đặc biệt, sản phẩm dưa lưới giúp nông dân "hái ra tiền" bởi năng suất cao, chất lượng vượt trội. Với giá thành từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi sào dưa lưới mang lại doanh thu tới vài trăm triệu đồng. Tính trung bình, với diện tích 1.000 m2 trồng khoảng 3.000 cây dưa, mỗi cây lấy 1 quả (từ 1,5 - 1,8 kg), tỷ lệ đạt 80%, người trồng có thể thu về từ 150 - 200 triệu đồng mỗi vụ.
Trồng dưa lưới mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. |
Trung bình hàng năm, sản lượng rau củ quả các loại của 188 Green Farm đạt từ 150 - 200 tấn, được cung cấp cho các nhà hàng, cửa hàng rau sạch, trường học, nhà máy, các hệ thống siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte, Intermex,…. Tổng chi phí đầu tư ban đầu là 12,5 tỷ đồng, mỗi năm cơ sở này thu về từ 3,6 tỷ - 4,5 tỷ đồng. Thành công của 188 Green Farm được được nhân rộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, và đã trở thành mô hình điểm, được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.
Ngoài việc tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công, với nguồn thu nhập ổn định từ 4 – 6 triệu đồng mỗi tháng.
Xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và trên cơ sở danh mục “mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn lựa chọn các danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ.
Nông sản chất lượng cao không có đủ hàng để bán. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, các dự án sản xuất vải thiều, na Đông Triều và vải chín sớm Phương Nam - Uông Bí theo quy trình VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh giai đoạn 2018 - 2019. Sở đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10 ha na tại xã Việt Dân, thị xã Đông Triều. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ tiếp tục chứng nhận VietGAP cho 10 ha vải thiều, 10 ha vải chín sớm.
Công tác tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật triển khai các mô hình khuyến nông được các đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về Kỹ thuật trồng trọt cho các học viên là công tác viên khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi các địa phương.
Tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. |
Để mô hình trồng rau an toàn phát triển mạnh hơn, góp phần cung cấp nguồn rau sạch cung ứng cho thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, việc xây dựng thương hiệu rau an toàn, tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như đảm bảo nguồn thu nhập xứng đáng với công sức và chi phí đầu tư phát triển rau an toàn cần được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm hơn nữa. Có như vậy, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới yên tâm, gắn bó với nghề trồng rau, phát triển mô hình trồng rau an toàn rộng hơn, quy mô hơn./.