Nước mương thành...nước tinh khiết: Lỗ hổng lớn trong quản lý, giám sát
VOV.VN - Dư luận hết sức lo ngại về công tác quản lý nước uống đóng bình nói riêng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung hiện nay.
Cục Quản lý thị trường Hải Phòng vừa phát hiện cơ sở sản xuất nước uống đóng bình nhãn hiệu Vimass Núi Voi của Công ty TNHH Phúc Hà lấy nước từ mương nước thải để sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng trăm bình nước mỗi ngày. Hành vi coi thường sức khỏe của người tiêu dùng, sai phạm chồng lên sai phạm của công ty TNHH Phúc Hà khiến dư luận hết sức lo ngại về công tác quản lý nước uống đóng bình nói riêng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung hiện nay.
"Nhà máy" sản xuất, đóng chai nước uống tinh khiết của Công ty TNHH Phúc Hà là một căn phòng cấp 4, rộng chừng 30m2, nằm sát mương Sông Đào, con mương là nơi xả thải trực tiếp của các hộ dân khu vực thôn Phương Chử Đông (xã Trường Thành, huyện An Lão, Hải Phòng).
Ngay cạnh đó là dãy nhà vệ sinh của gia đình ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hà; kế tiếp là khu công trình phụ của một số cửa hàng kinh doanh ăn uống.... Nước thải từ các hộ dân đổ trực tiếp ra mương, khi thì đen ngòm, lúc nổi bọt trắng xóa.
Sát bên cơ sở sản xuất nước uống đóng bình là khu công trình phụ của các hộ dân. Nước thải đổ trực tiếp ra mương, khi thì đen ngòm, lúc nổi bọt trắng xóa. |
Vậy nhưng con mương này lại là nguồn nước được sử dụng để sản xuất ra những bình nước uống Vimass Núi Voi, cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít mỗi ngày. "Nước tinh khiết Vimass Núi Voi" của Công ty TNHH Phúc Hà được sản xuất bằng cách hút trực tiếp nguồn nước từ mương nước thải, sau đó đưa qua hệ thống lắng lọc rồi được đóng bình, dán nhãn và sẵn sàng đến tay người sử dụng.... "Quy trình sản xuất" này khiến ngay cả người dân trong thôn Phương Chử Đông cũng phải rùng mình.
Nhiều người dân có ý kiến: “Thỉnh thoảng tôi mua 1 bình, có tháng mua 2 - 3 bình. Cả thôn, cả xã này không biết là nước bẩn, chỉ nghĩ nước lấy từ trong núi ra, trong khi mương này là mương thoát nước nông nghiệp và xả thải của các hộ dân”.
“Mọi người chỉ lo sức khỏe vì khi uống nước lâu ngày sợ sẽ phát bệnh về sau. Giờ người dân chỉ biết nhờ cơ quan chức năng giải quyết”.
“Nước mương không vệ sinh và được xử lý như thế nào người dân không được vào trong nên không thể biết được. Họ cứ đóng chai chuyển đi công sở, trường học cho các cháu uống vào sau này rất hại”.
Theo chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất nước uống đóng bình của Công ty TNHH Phúc Hà hoạt động từ năm 2008, đăng ký lấy nước nguồn từ hang núi Voi và Nhà máy nước sạch Trường Sơn. Thế nhưng không biết tự bao giờ, "nguồn nước ngầm nằm sâu trong hang Núi Voi" đã trở thành nguồn nước mặt kênh nước thải sinh hoạt của cả khu dân cư?!
Ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hải Phòng) thừa nhận, nước đóng chai đã không được kiểm soát đầu vào mà chỉ kiểm soát đầu ra; tức là khi đưa ra thị trường là phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
“Cơ sở này năm ngoái đã được kiểm và bị xử phạt 30 triệu đồng. Cơ sở này cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng hết hạn từ tháng 4/2018 và đã bị xử lý năm 2019 nhưng đến nay vẫn không làm lại giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện chất lượng”, ông Toản cho biết.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Công ty TNHH Phúc Hà từng bị xử phạt vì hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện mà vẫn ngang nhiên hoạt động, gian dối trong sản xuất? Nhìn đường ống lấy nước từ mương Sông Đào của công ty TNHH Phúc Hà không còn mới, chứng tỏ việc này không phải diễn ra ngày 1 ngày 2. Vậy, việc kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lấy mẫu kiểm định nước đóng bình liệu có được thực hiện định kỳ, thường xuyên, đảm bảo chất lượng?
Điều đáng nói là nếu không có sự việc Công ty TNHH Phúc Hà sử dụng nước từ mương nước thải để sản xuất "nước tinh khiết" bị phát hiện thì chắc cũng sẽ không lộ ra việc công ty này từng bị xử phạt. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chỉ biết cơ sở sản xuất đã được cấp phép hoạt động, còn sản xuất như thế nào, đã từng bị đình chỉ hay xử phạt ra sao... thì địa phương chỉ nắm được khi thông tin được công khai trên phương tiện đại chúng.
Đường ống lấy nước từ mương Sông Đào của công ty TNHH Phúc Hà không còn mới, chứng tỏ việc này đã diễn ra từ lâu. |
Ông Nguyễn Duy Miện, Chủ tịch UBND xã Trường Thành cho rằng, nếu có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương thì đã không xảy ra tình trạng đáng tiếc này. Địa phương chỉ quản lý doanh nghiệp về mặt hành chính, chất lượng nước cần phải có cơ quan chức năng có thẩm quyền xét nghiệm mới xác định có đảm bảo chất lượng hay không, nhưng địa phương lại không được mời phối hợp.
“Năm ngoái ngành chức năng xử lý, địa phương tuyệt đối không nắm được. Đến năm nay doanh nghiệp lại tiếp tục hoạt động, nhưng ngành chức năng cũng không thông báo với địa phương là cơ sở này đang hoạt động trái phép, yêu cầu địa phương bám sát theo dõi và báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, ông Miện lý giải.
Nước nguồn ô nhiễm, công nghệ xử lý thô sơ, làm ăn gian dối,... thế nhưng cơ sở sản xuất nước uống đóng bình này vẫn hoạt động một thời gian dài, cung cấp ra thị trường cả triệu lít nước uống.
Từ vụ việc này, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai cũng như tất cả các cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm và quan trọng nhất là có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền, người dân./.