Nuôi chim trĩ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Nuôi chim trĩ là mô hình chăn nuôi khá mới lạ nhưng có nhiều triển vọng về hiệu quả kinh tế trước nhu cầu lớn của thị trường tiêu thụ.
Xuất thân từ nông dân chuyên làm cà phê, nhưng với bản tính ham học hỏi, thích tìm hiểu, ứng dụng các mô hình mới mong làm làm giàu, anh Nguyễn Ngọc Phương ở Tổ dân phố Chi Lăng 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư phát triển mô hình nuôi chim trĩ.
Đến với nghề nuôi chim trĩ khá tình cờ khi anh Phương theo dõi trên chương trình Bạn của nhà nông. Anh tìm hiểu sách báo, tivi và mạng internet biết được kỹ thuật nuôi chim này cũng dễ, thị trường đang ưa chuộng nên quyết định nuôi chim trĩ theo hướng thương phẩm.
Anh Phương đã xuống Đồng Nai để tham quan, học tập mô hình đã nuôi thành công, và năm 2013, anh quyết định đầu tư nuôi chim trĩ với 100 con giống đầu tiên. Anh Phương cho hay, vốn là người yêu thích chăn nuôi, anh đã tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng, sách báo và từ kinh nghiệm thực tế khi nuôi.
Sau 4 tháng nuôi, chim bắt đầu đẻ trứng, mỗi con chim mái đẻ 130-150 trứng, trọng lượng trứng chim bằng 65% trọng lượng trứng gà ta. Anh đưa trứng đi ấp thử nghiệm, kết quả sau 23-25 ngày thì nở chim con với tỷ lệ nở con đạt trên 60% tổng số trứng ấp. “Nuôi chim trĩ khỏe hơn nuôi gà, mau lớn, thức ăn phù hợp với điều kiện ở địa phương như cám, gạo, bắp... và lợi nhuận từ nuôi chim trĩ cao hơn so với nuôi gà”, anh Phương nói.
Nuôi chim trĩ thương phẩm mang lại hiệu quả cao cho gia đình anh Phương. (Ảnh: Báo Lâm Đồng) |
Từ 100 con chim ban đầu, anh đã nhân lên hàng trăm rồi đến hàng nghìn con. Hiện trang trại của anh Phương có 200 con chim trĩ sinh sản và hàng trăm con chim con, chim thương phẩm cung cấp ra thị trường. Tính ra mỗi năm thu hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí có lãi 150 triệu đồng.
Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh Phương còn giúp bà con địa phương phát triển mô hình nuôi chim trĩ, anh hướng dẫn rất tận tình kỹ thuật nuôi chim cho bà con và bán con giống với giá rẻ hơn thị trường 30% để bà con phát triển kinh tế gia đình.
Ông Hoàng Ngọc Trọng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết: “Sự thành công bước đầu của mô hình nuôi chim trĩ của anh Nguyễn Ngọc Phương đã cho thấy khả năng tiếp cận với các loại hình chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao. Vượt qua tâm lý sợ thất bại, không ngại khó, ngại khổ, bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, anh đang vươn lên làm chủ nông nghiệp, nông thôn, làm giàu cho gia đình.
Hiện nay ở thị trấn Nam Ban, nhiều hộ dân đã biết đến loại hình nuôi chim trĩ. Vì thế, để mô hình chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình, cũng như tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế cho người nông dân địa phương cần phải có thị trường tiêu thụ ổn định thị trường./.