Nuôi tôm công nghệ cao, nhiều hộ dân vùng ven biển Quảng Nam thu hàng tỷ đồng mỗi năm
VOV.VN - Hiện nay, nhiều hộ dân ở vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, có hộ thu cả tỷ đồng mỗi vụ.
Vụ tôm vừa rồi, gia đình ông Nguyễn Xuân Cần, ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thu về hơn 30 tấn tôm thẻ chân trắng. Ông Cần cho biết, nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ được mùa, được giá như vụ tôm này. Theo ông Cần, nuôi tôm thẻ chân trắng, vốn đầu tư gấp 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất, nhưng tôm ít dịch bệnh. Một kg tôm thẻ chân trắng giá bán từ 170.000-180.000 đồng.
Mô hình nuôi tôm của ông Cần chia ra làm 3 phân khu, gồm các ao, bể ươm tôm giống, ao xử lý nước và ao nuôi tôm thịt. Ngoài ra, ông Cần còn xây thêm 2 ao chứa lắng, hố ga và 1 ao xử lý nước thải. Để có thể cung cấp đủ oxy cho tôm với mật độ cao là 300 con/m2, ở mỗi ao nuôi, ông Cần bố trí 1 dàn oxy đáy, 6 dàn quạt súc khí.
Ông Nguyễn Xuân Cần cho biết, nuôi tôm công nghệ cao có nhiều ưu điểm, nhất là hạn chế rủi ro dịch bệnh, kéo dài thời gian nuôi để con tôm to hơn, bán được giá cao hơn. Mỗi năm, ông Nguyễn Xuân Cần thả nuôi 3 vụ, xuất bán hơn 100 tấn tôm thịt. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 3 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm của ông Cần đã tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
“Chuyển qua đầu tư mô hình Biofloc và nuôi nhiều giai đoạn thì tôi đã thành công. Tôi đã chuyển giao công nghệ và nuôi nhiều giai đoạn qua ao ươm và nuôi một, nuôi hai cho nên rất ổn định, thành công nếu đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật tốt” - ông Cần chia sẻ.
Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có hơn 100 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện 300 ha. Nuôi tôm theo hình thức này, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, có hộ vươn lên làm giàu. Ông Đoàn Thanh Khiết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, để giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ, chọn con giống, quản lý môi trường và dịch bệnh.
“Đối với nuôi tôm trên cát cũng như nuôi tôm vùng triều thì huyện Thăng Bình hiện nay cũng phát triển khá tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các ngành chức năng huyện có hỗ trợ về các loại hoá chất để xử lý môi trường cũng như quản lý công tác giám sát dịch bệnh cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản, tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi tôm” - ông Khiết nói.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 3.000 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ven sông, sản lượng nuôi tôm hàng năm đạt từ 18.000 - 20.000 tấn tôm. Ông Trần Quảng Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ Thuỷ sản, Chi cục thuỷ sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn từ 2 - 3 tháng, năng suất cao gấp nhiều lần so với tôm sú. Ông Trần Quảng Nam cũng khuyến cáo, phải quản lý chặt chẽ trại tôm giống để bảo đảm chất lượng cung cấp cho hộ nuôi; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch con giống.
“Thời gian vừa qua, một số hộ nuôi tôm đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ Bioflo đã mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế rất cao. Chi phí sản xuất so với nuôi tôm theo công nghệ truyền thống thì có thể giảm từ 15 đến 20% và trong quá trình nuôi không cần thay nước nên hạn chế được mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào ao tôm. UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng nghị quyết hỗ trợ phát triển thuỷ sản. Tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản áp dụng công nghệ cao” - ông Nam cho biết./.