Nuôi tôm hùm tự phát làm vỡ qui hoạch
VOV.VN - Những năm gần đây, do nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh tôm liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm ở Phú Yên.
Với diện tích vùng đầm, vịnh ven biển dày đặc, tỉnh Phú Yên có nhiều lợi thế về nuôi tôm hùm lồng. Chính siêu lợi nhuận từ nuôi tôm hùm, người dân ồ ạt lấn chiếm đầm, vịnh thả nuôi vô tội vạ, phá vỡ qui hoạch. Từ đó, môi trường vùng nuôi ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh Phú Yên đang sắp xếp lại số lồng bè tôm hùm nuôi, sẽ giảm số lồng nuôi xuống còn 1 nửa so với hiện tại.
Vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên. Theo quy hoạch ban đầu, diện tích được phép thả nuôi gần 1.000 ha, mỗi ha chỉ nuôi khoảng 30 lồng. Thế nhưng hiện nay, số lồng bè nuôi tôm tại đây cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với quy hoạch. Hiện có khoảng 4.000 hộ dân làm nghề nuôi tôm hùm với khoảng 91.300 lồng, trong đó hơn 60% số lồng bè nuôi tự phát.
Mùa thu hoạch tôm hùm lồng nuôi ở Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. |
Nhiều nơi, bà con thả nuôi kín cả mặt nước, tàu thuyền không có lối đi lại. Gia đình ông Nguyễn Văn Kha, ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu giàu lên nhờ 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Liên tiếp những năm gần đây, tôm dịch bệnh chết hàng loạt, gia đình ông lao đao. Ông Kha thừa nhận, do siêu lợi nhuận mà người dân bất chấp mọi thứ, thả nuôi vô tội vạ, bây giờ "lợi bất cập hại".
“Nuôi nhiều thì phải ô nhiễm chứ nói gì. Biết vậy, nhưng bây giờ, cuộc sống mưu sinh mà. Ở biển không nuôi tôm, không đi biển thì biết làm nghề gì. Ai cũng muốn làm giàu nên ai có tiền nhiều nuôi nhiều, nuôi tự phát chứ ai quản lý đâu. Tài sản của bà con bà con tự lo chứ, thà chết cũng chấp nhận” - ông Kha nói.
Mật độ nuôi tôm quá dày, trong khi đó nguồn thải từ nuôi trồng không được kiểm soát đã làm ảnh hưởng xấu môi trường nuôi. Theo ước tính, mỗi ngày có hàng ngàn tấn thức ăn tôm hùm xả xuống vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. Rác thải nuôi tôm hùm đổ xuống vịnh lâu ngày dồn ứ thành đống.
Những năm gần đây, do nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh tôm liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Đợt dịch bệnh hồi tháng 5 năm 2017 ở vịnh Xuân Đài làm 600.000 con tôm hùm nuôi chết đột ngột, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Số lồng nuôi tôm hùm ở Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch. |
“Họ vẫn lén lút nuôi và mình bất lực trước việc quản lý. Họ chiếm dụng nuôi, bây giờ họ chiếm toàn bộ khu vực này. Lực lực lượng quản lý mặt nước của chúng tôi rất yếu kém. Mình cấm thả nuôi nhưng đêm hôm, thứ Bảy, Chủ Nhật, họ lén lút thả nuôi. Có những thời điểm như năm 2017, tôm chết rất nhiều, nguyên nhân các nhà khoa học đã khẳng định, việc nuôi như hiện nay là không bền vững, yêu cầu đưa về mật độ khuyến cáo” - ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu thừa nhận.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 100.000 lồng nuôi trồng thủy sản, vượt gấp đôi so với quy hoạch. Riêng ở thị xã Sông Cầu, số lồng chiếm gần một nửa tổng số lồng nuôi toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các địa phương sắp xếp lồng bè nuôi tôm hùm theo đúng quy hoạch. Trước mắt, thực hiện sắp sếp lồng bè tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Theo đó, số lồng bè sau khi sắp xếp sẽ giảm xuống còn một nửa so với hiện tại để đảm bảo đúng qui định và môi trường nuôi. Đồng thời, quản lý chặt chẽ người nuôi sử dụng thức ăn tươi cho tôm hùm phải được xử lý đảm bảo chất lượng; thay thế dần thức ăn công nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh.
“Hiện nay, không có chỗ nào để di dời, chỉ có đưa ra vùng biển ngoài 6 hải lý, nhưng phải nuôi công nghệ hiện đại. Nhưng ngoài đó chỉ có nuôi cá chứ tôm hùm chưa có ai nuôi nên phải giải toả. Khó khăn hiện nay, số lượng lồng bè nhiều hơn số quy hoạch. Cần có một thời gian đệm để sắp xếp lại, thực hiện từng bước để giải toả đối tượng không thuộc diện giao mặt nước theo qui định” - ông Phương cho biết./.
Tôm hùm Mỹ rẻ hơn tôm hùm Việt
Tôm hùm rớt giá một nửa khiến người nuôi thua lỗ nặng