Oman là cầu nối giữa Việt Nam với Châu Phi và khu vực Trung Đông
VOV.VN - Oman có thể là cầu nối giữa Việt Nam với Châu Phi và Trung Đông, bởi Oman có nhiều cảng biển và kho bãi lớn để vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Oman sáng 22/3 được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Oman, Tiến sĩ Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy bày tỏ mong muốn thúc đẩy mở đường biển trực tiếp giữa Việt Nam và Oman để tăng cường thương mại giữa hai nước. Bộ trưởng cũng kỳ vọng rằng các doanh nghiêp của Việt Nam sẽ đầu tư sang Oman.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Oman.
10 doanh nghiệp Oman hoạt động trong các lĩnh vực: Điện & Điện tử, Thiết bị điện gia dụng, Cơ khí, Thang máy, Xây dựng, Bất động sản, Khách sạn và Du lịch, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Chế biến Thủy hải sản, Đóng tàu, Thiết bị Hàng hải, Dầu khí, Vận tải, Lao động, Khai khoáng, Dịch vụ Tài chính, Đầu tư, Dệt may và hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự tọa đàm để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, hợp tác công nghiệp và đầu tư song phương.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Oman Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy cho biết, nhiều doanh nghiệp Oman có mặt tại Hà Nội không phải lần đầu, thể hiện sự quan tâm lớn của họ với thị trường Việt Nam. Oman có dân số 4,5 triệu người, tiềm năng dự trữ dầu khí lớn khoảng 5,5 triệu thùng, kinh tế phát triển mạnh, tập trung vào nhiều ngành sản xuất, du lịch, hậu cần, khai khoáng, do vậy có không gian rất rộng để hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Oman Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy. |
Oman cũng có thể là cầu nối giữa Việt Nam với Châu Phi và khu vực Trung Đông, bởi Oman có nhiều cảng biển và kho bãi lớn để vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Các lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy rất phong phú: Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo, thực phẩm, rau quả bởi Oman phần lớn phải nhập khẩu các mặt hàng này; thứ hai là nuôi trồng và chế biến thủy hải sản mà Việt Nam rất có tiềm năng; Việt Nam cũng có thể xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Oman và Châu Phi, nơi nhu cầu xây dựng đang bùng nổ.
Bộ trưởng Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy nhấn mạnh, hiện Việt Nam và Oman chưa có đường biển nối trực tiếp, nếu mở ra được các tuyến đường biển trực tiếp này thì việc xuất khẩu hàng hóa từ Oman sang các nước khu vực Châu Á và từ Việt Nam sang Châu Phi, Trung Đông rất thuận lợi. Ngoài ra đường bay từ Oman sang Việt Nam hiện phải quá cảnh ở Bangkok. Bộ trưởng tin rằng nếu nhu cầu giữa hai bên tăng lên thì việc mở đường bay thẳng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên.
Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Cao Quốc Hưng phát biểu tại diễn đàn. |
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Cao Quốc Hưng kêu gọi doanh nghiệp hai bên tìm cách hợp tác, đóng góp và thúc đẩy quan hệ thương mại công nghiệp. Nhấn mạnh rằng Việt Nam coi Oman là đối tác quan trọng ở Trung Đông, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hy vọng các doanh nghiệp hai bên sớm tìm ra các lĩnh vực hợp tác cụ thể và duy trì trao đổi thường xuyên hơn.
Tại cuộc họp, hoạt động của Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) được nhấn mạnh như là mô hình tốt về đầu tư của Vương Quốc Oman vào Việt Nam, là cầu nối về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Là liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Oman (SGRF) với Tập đoàn Đầu tư Vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC), VOI theo đuổi một triết lý đầu tư giá trị và đầu tư lâu dài.
Hiện nay đầu tư chủ chốt của VOI dựa trên câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, trong các lĩnh vực thiết yếu như ngành điện, đường thu phí, hậu cần, nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, hàng tiêu dùng...
Hoạt động một cách chuyên nghiệp, VOI đã phát triển thành một nhà đầu tư tích cực và có trách nhiệm trong những dự án quan trọng với các đối tác hàng đầu Việt Nam, như trao học bổng cho sinh viên Đại học Văn Lang, đặt nền tảng cho quan hệ đối tác; trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Cơ sở Hạ tầng TPHCM (CII) với gần 9,2% sở hữu vốn trong CII; đầu tư vào Nhà máy Nước Sông Hậu ở Hậu Giang, Nhà máy Nước Sài Gòn ở TPHCM; dự án trồng ca cao sạch ở Tây Nguyên, góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ các nhà xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới.
VOI đã giải ngân hơn 200 triệu USD trong vòng gần 10 năm qua, trở thành một dòng đầu tư tiêu biểu từ Trung Đông vào Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Oman Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy đầu tư song phương là phát triển quy mô của VOI: "Liên doanh Khoản đầu tư 200 triệu USD vào Việt Nam là không đủ và có thể dễ dàng tăng lên nữa, qua đó chúng tôi cũng mong muốn các công ty VIệt Nam đầu tư sang Oman".
Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI, thành viên Uỷ Ban Hỗn Hợp Việt Nam – Oman trả lời phỏng vấn của báo giới. |
Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI, thành viên Uỷ Ban Hỗn Hợp Việt Nam – Oman cho biết thêm: "Chúng tôi mong muốn ưu tiên đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như hạ tầng, hậu cần, giáo dục y tế, năng lượng tái tạo… Chúng tôi rất lạc quan với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và tự tin sẽ gia tăng đầu tư ở đây".
Nhận định môi trường đầu tư của Việt Nam cải thiện rất nhiều 2 năm qua, song ông Al Harthy cũng lưu ý rằng, nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề pháp lý: “Việt Nam nên có thêm nhiều chính sách mời gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam, nên có những chính sách dễ dàng hơn khi chuyển tiền ra nước ngoài. Việc kiểm soát ngoại hối tốt khiến nhà đầu tư thấy an tâm và ổn định hơn. Những điều đó giúp chúng tôi tự tin để tăng đầu tư vào Việt Nam".
Thương mại hai chiều tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên con số còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 116,7 triệu USD, tăng 22,2% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Oman đạt 40,9 triệu USD, tăng 17,4%; và nhập khẩu đạt 75,8 triệu USD, tăng 26,1%.
Về đầu tư, mặc dù đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, nhưng đầu tư của Oman vào Việt Nam còn thấp, Việt Nam chưa có dự án đầu tư sang Oman. Đến hết năm 2017, Oman chỉ có 2 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 337 triệu USD./.