Ông Nguyễn Thiện Nhân: Trồng và bán rau bẩn là không có văn hóa
VOV.VN - Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trồng và bán rau bẩn là không có văn hóa, là “không được” về mặt đạo đức.
Chiều nay (23/2), tại Hà Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác ngành liên ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương và Hội Nông dân Việt Nam đã khảo sát mô hình sản sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nông sản sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm; giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm... Đây cũng là cuộc khảo sát nhằm có cơ sở thực tiễn để nâng cao nhận thức của người dân để loại bỏ sản xuất không an toàn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Tỉnh ủy Hà Nam. |
Tại Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Mai Tiến Dũng cho biết, tỉnh nhận thức rất rõ, phát triển nông nghiệp “sạch” là một hướng đi mới để phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đã đầu tư dự án rau sạch cho công ty cổ phần An Phú Hưng để sản xuất rau sạch tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Theo đó, tỉnh hỗ trợ về hạ tầng đến tận hàng rào của dự án, công ty tích tụ ruộng đất, thuê đất của nông dân trên địa bàn trong vòng 20 năm để sản xuất. Đến nay đã có 21,5 ha rau sạch đang thời kỳ thu hoạch, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, nhất là siêu thị Nhật Bản bởi dự án đang có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của chuyên gia đến từ Nhật Bản và được giám định và kiểm nghiệm của Nhật Bản.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã thí điểm các mô hình trồng lúa, rau, mô hình nông nghiệp thông minh. Ngoài rau củ, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh mô hình nuôi bò sạch, lợn sạch, dự kiến đến năm 2020, Hà Nam có khoảng 15.000 bò sữa, 10.000 bò thịt. Hiện tỉnh đã tích tụ ruộng đất bằng cách thuê đất của dân trong thời hạn 20-30 năm (không thu hồi đất của dân) rồi giao cho doanh nghiệp sản xuất.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khảo sát Khu Biệt thự bò sữa tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, Hà Nam. |
Theo Bí thư tỉnh Hà Nam, tỉnh đã có cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng khung trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế ưu đãi về thuế, đất... để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản. Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân, tạo sự lan tỏa trong dân, thu hút nông dân tham gia chuỗi sản xuất, hướng tới xuất khẩu cũng như cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.
Trồng rau bẩn là không chấp nhận được
Qua khảo sát mô hình sản xuất rau sạch tại công ty cổ phần An Phú Hưng tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân và Khu Biệt thự bò sữa tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Hà Nam cũng đã mở cuộc vận động về thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng, coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình sản xuất rau sạch tại Công ty cổ phần An Phú Hưng tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, Hà Nam. |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay đang có tình trạng một bộ phận người dân trồng rau ở một mảnh đất riêng để ăn, còn rau trồng để bán thì ở khu vực khác. Rõ ràng, người dân có thể tự do kinh doanh để kiếm lợi nhuận, nhưng về đạo đức như thế là không được. Bởi vì bán rau, cây và gia súc, gia cầm không an toàn là hành vi đầu độc người tiêu dùng. Như vậy là không có văn hóa, không có nhân văn. Sản xuất không an toàn là đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam.
Đánh giá cao mô hình sản xuất rau sạch với sự tham gia hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đây chính là hướng đi tắt đón đầu, dùng hẳn chuyên gia nước công nghệ cao và bán sản phẩm cho họ là không thể sai được. Nhìn lại con đường đưa công nghiệp cao vào nông nghiệp của Hà Nam. Nông nghiệp Việt Nam vươn lên công nghệ cao thì phương thức nào hiệu quả, sử dụng chuyên gia nước ngoài hướng xuất khẩu hay buộc huy động khoa học công nghệ? Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi vì có những khu nông nghiệp công nghệ cao hơn 1.000 hécta nhưng khởi động mãi không xong”
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao việc Hà Nam xây dựng “cuộc vận động về toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa”, cho rằng, phát triển nông nghiệp hiện nay phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi vậy, Hà Nam cần có những cơ chế mang tính sáng tạo, đột phá để bảo đảm mục tiêu này.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, tới đây, Mặt trận sẽ thí điểm tọa đàm đến từng khu dân cử về vấn đề sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Sẽ phải làm rõ, nếu tất cả người dân đều tham gia sản xuất sạch thì họ được lợi gì, cần cơ chế gì để người sản xuất phát triển”. Đặc biệt, gắn với nội dung giám sát của mặt trận trọng năm 2016 về an toàn thực phẩm, sẽ có đề án quốc gia vận động nhân dân sản xuất an toàn trong 5 năm tới./.